Kỷ nguyên Internet làm xáo trộn ngành truyền thông

(Dân trí) - Ngành công nghiệp truyền thông đang vật lộn trong cuộc cạnh tranh đầy cam go với các trang báo điện tử và các nhà báo công dân cho dù những vấn đề về bản quyền và khả năng tin cậy trên web đang được đặt lên hàng đầu.

“Hầu hết các tờ báo trên khắp thế giới đều nhận thấy nguy cơ bị “lấn sân” trên “mặt trận” cung cấp thông tin”, Warren Buffett, một cổ đông của tờ The Washington Post, nói.

 

Một khảo sát gần đây của công ty Pew nhận thấy, có đến 43% người dân Mỹ tìm kiếm thông tin, đọc báo trên Internet, trong khi đó chỉ có 17% lựa chọn báo giấy.

 

Kỷ nguyên Internet cũng gây sóng gió với ngành công nghiệp truyền thông trong lĩnh vực quảng cáo. Riêng trong năm 2006, quảng cáo trực tuyến đã tăng hơn 17%. Mặc dù doanh thu từ hình thức kinh doanh này của báo chí truyền thống và truyền hình vẫn tăng mạnh nhưng theo khảo sát của công ty TNS Media Intelligence, trong tương lai không xa, Internet sẽ đe dọa đến sự tồn tại của những kênh thông tin này.

 

“Người tiêu dùng giờ đây không còn quá bị động vào nguồn thông tin trên báo chí như trước đây nữa, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của họ”, Tom Rosenstiel - GĐ tổ chức báo chí Project for Excellence in Journalism, nhấn mạnh. “Mọi công dân đều có thể trở thành một nhà báo, việc duy nhất cần làm là “google” một chủ đề hoặc download về máy tính hay truyền tải về điện thoại hay máy nghe nhạc MP3”.

 

Trên “mặt trận” tin tức, các tổ chức truyền thông đang đối mặt với nguy cơ “chìm vào quên lãng” khi phải cạnh tranh với sự bùng nổ lượng blogger và các trang chia sẻ video, như YouTube - nơi cho phép người dùng đăng tải các đoạn video “cây nhà lá vườn” hay thậm chí là video có bản quyền.

 

Sự “xáo trộn” trong ngành công nghiệp truyền thông cũng có ảnh hưởng lớn đến lối sống của người dân. Chiếc TV với các chương trình truyền hình phát sóng theo giờ cố định sẽ dần dần bị “trục xuất” ra khỏi phòng phòng khách vì người xem giờ đây đã có thể tải các đoạn video theo yêu cầu và có thể xem lại lúc nào họ muốn.

 

“Đó chính là sự khác biệt giữa Internet và truyền hình. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc TV đóng vai trò như một hệ thống mạng di dộng, có thể kết nối Internet và không còn dây rợ lằng nhằng nữa”, Tim Hanlon, Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu thị trường Denuo, cho biết.

 

T.Vũ

Theo AFP