Internet Việt Nam: Vừa mừng vừa lo!

(Dân trí) - Mặc dù có sự phân bố không đồng đều giữa các tỉnh thành, thế nhưng số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã tăng gần gấp 3 so với hơn một năm trước đây, đạt gần 3 triệu thuê bao với 7,5 triệu người sử dụng Internet trên toàn quốc.

Theo số liệu được ông Nguyễn Lê Thuý, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, công bố tại cuộc hội thảo ngày thứ hai trong khuôn khổ ComputerWorld Expo 2005, VNPT vẫn đứng đầu trong danh sách các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, với thị phần 48,06%. Tiếp sau VNPT là FPT với 29,07%; Viettel: 11,03; SPT: 5,01%; Netnam: 4,7%; OCI: 1,06%; TIE: 0,31%; và Hanoi Telecom: 0,14%.
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Thuý, số lượng ISP tại Việt Nam còn ít và chưa phong phú. Hiện tại đã có 16 ISP được Bộ BCVT cấp phép, thế nhưng chỉ có 8 ISP thực sự hoạt động, số còn lại vẫn chưa thấy động tĩnh gì hoặc đang trong quá trình triển khai dịch vụ.
 
Đứng đầu các ISP là VNPT, mà cụ thể là VDC – đơn vị trực thuộc trực tiếp triển khai dịch vụ Internet với băng thông kết nối đi quốc tế hiện đã đạt gần 1,7Gbps, trong khi băng thông quốc tế của các ISP khác như Viettel (210Mbps), FPT (310Mbps), SPT (4Mbps) vẫn còn rất khiêm tốn. Sắp tới, VDC sẽ có kế hoạch nâng dung lượng đi quốc tế lên 2Gbps để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dùng.
 
Về số lượng website VN hiện nay, theo ông Thuý, tuy có tăng về số lượng nhưng những trang web thực sự có nội dung thì lại chiếm rất ít, trong đó có sự đóng góp  không nhỏ của các báo điện tử và trang tin điện tử. Một số báo điện tử chủ yếu hiện nay như: VnMedia, VnExpress, Dantri, VietnamNet, ThanhNien online, TuoiTre online… vẫn đóng vai trò chính trong việc cung cấp nội dung thông tin tiếng Việt trên mạng Internet.
 
Ông Thuý cũng nêu ra một thực trạng rằng có rất nhiều các cổng thông tin (Portal) do các địa phương xây dựng vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Có nhiều trang Web của địa phương được xây dựng xong rồi “vứt” đấy, hơn một năm qua không có cập nhật thêm thông tin nào. Đó là các “trang Web chết”, được rót khá nhiều kinh phí nhưng không hoạt động theo đúng chức năng và vai trò của nó.
 
Bỏ qua nhưng trở ngại và khó khăn trong lộ trình phát triển, các chỉ số tăng trưởng về Internet trong năm qua là rất đáng kể. Chỉ số phổ cập Internet quốc gia là 9,1% (số người sử dụng/dân số); chỉ số phổ cập Internet tại khu vực thành thị là 35,2%; chỉ số phổ cập Internet trong giáo dục đào tạo là 100% (đại học & cao đẳng) và 94% (THPT).

Nhóm PV tại TPHCM