IE bị “tước” độc quyền, Microsoft “thoát” khoản phạt tỷ đô

(Dân trí) - Người sử dụng Windows ở châu Âu sẽ có quyền lựa chọn trình duyệt web mà mình thích, các nhà làm luật của EU vừa cho biết sau khi dàn xếp được vụ kiện chống độc quyền kéo dài và tốn kém với Microsoft.

IE bị “tước” độc quyền, Microsoft “thoát” khoản phạt tỷ đô - 1

Microsoft hứa hẹn sẽ sửa đổi sau khi bị EU buộc tội vi phạm luật chống độc quyền vì cài sẵn trình duyệt Internet Explorer (IE) trong hệ điều hành Windows ở hầu hết các máy tính cá nhân trên thế giới.

Brad Smith, luật sư của Microsoft, cho biết thông báo của của EU thực sự là "một bước đi lớn" trong hi vọng kết thúc rắc rối về độc quyền ở châu Âu của gã khổng lồ phầm mềm Mỹ. Nó sẽ cho phép họ tập trung vào quá đàm phán với các nhà làm luật ở châu Âu để xin phép thông qua bản hợp đồng với Yahoo, mà theo lời của Brad Smith là "mục tiêu số 1 của công ty".

Ủy ban châu Âu EC cho biết hôm 9/10 tới đây sẽ bắt đầu lấy ý kiến phản hồi từ phía các hãng sản xuất máy tính, các công ty phần mềm và người dùng về đề nghị của Microsoft. Đề nghị này đem đến cho người sử dụng quyền lựa chọn trong 12 trình duyệt web khi tiến hành cài đặt hệ điều hành Windows. Microsoft sẽ có 1 tháng để thông báo kết quả.

Nếu các ý kiến phản hồi là tích cực, EU sẽ chấp nhận đề nghị của Microsoft và chính thức đưa ra một phán quyết có tính pháp lý với thời hạn 5 năm. Với phán quyết này, EU sẽ chấm dứt vụ kiện chống độc quyền về trình duyệt mà không áp dụng mức phạt 1.7 tỷ euro (2.5 tỷ USD) đối với Microsoft.

Smith tiết lộ họ đã có khá nhiều thay đổi so với lần đưa ra đề nghị đầu tiên hồi tháng 7. Đây chính là kết quả của những cuộc đàm phán chuyên sâu với các nhà làm luật trong tháng vừa qua.

Hồi tháng 6, Microsoft đã tuyên bố sẽ gỡ bỏ hoàn toàn IE ra khỏi các phiên bản hệ điều hành Windows sử dụng ở châu Âu nhằm tránh tất cả các vấn đề về độc quyền. Dĩ nhiên, điều này sẽ khiến người dùng ở châu Âu bị thiệt hại đáng kể và đó không phải là mong muốn của EU.

Ủy viên của Ủy ban cạnh tranh châu Âu, Neelie Kroes thừa nhận, "đề nghị của Microsoft thực sự sẽ tác động đến vấn đề cạnh tranh" và nó sẽ "có ảnh hưởng một cách trực tiếp và tức thì đến thị trường".

"Nó sẽ mang đến cho tất cả những người dùng Windows hiện thời và trong tương lai quyền được lựa chọn trình duyệt theo ý thích của mình", bà Neelie Kroes phát biểu.

Bà cũng tin tưởng rằng Microsoft sẽ cung cấp nhiều hơn những thông tin mang tính tương tác - là những dữ liệu được các công ty khác sử dụng để lập trình ra các chương trình chạy trên nền Windows. Đây sẽ là thỏa thuận riêng giữa các bên và không hề bị bó buộc bởi các nhà làm luật.

"Tôi tin tưởng ở Microsoft. Tôi và đội điều tra đã liên lạc sát sao với giám đốc điều hành Steve Ballmer. Vì thế sẽ không có sự hiểu lầm nào ở đây", bà Kroes tỏ ra lạc quan. "Đây là kết quả của một quá trình đám phám kéo dài".

Khác hàng ở châu Âu khi sử dụng các phiên bản hệ điều hành Windows XP, Windows Vista và Windows 7 (sẽ ra mắt vào 22/10) sẽ thấy một màn hình hiển thị tự động giải thích trình duyệt là gì và có thể xem thông tin chi tiết của từng trình duyệt khi bấm nút "Tell me more".

Sau đó người dùng sẽ được chọn trong một danh sách nhiều trình duyệt được sắp xếp theo thứ tự alphabet, để cài song song với IE hoặc cài riêng biệt. Họ cũng có thể quay lại màn hình trên để thay đổi lựa chọn trình duyệt bất cứ lúc nào.

Smith khẳng định rằng hiện Microsoft đang tập trung vào chiến dịch quảng bá và ra mắt hệ điều hành mới, Windows 7, ở châu Âu. Họ cũng đã từng e ngại rằng vụ kiện chống độc quyền trên có thể sẽ trì hoãn tiến trình giới thiệu hệ điều hành mới.

Hiện IE đang là trình duyệt phổ biến hàng đầu với lượng người sử dụng đông đảo nhất trên thế giới. Nhưng IE đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Firefox của Mozilla.

Microsoft đang tập trung vào thị trường tìm kiếm trực tuyến với hi vọng giành thị phần từ tay Google. Bằng chứng của tham vọng này chính là bản hợp đồng với Yahoo cho phép họ sử dụng cỗ máy tìm kiếm Bing để thực hiện các yêu cầu truy vấn từ Yahoo Search, qua đó tăng lợi nhuận từ quảng cáo tìm kiếm.

Smith cũng cho biết tình hình chống độc quyền đã thay đổi một cách rõ rệt và hiện tại thị trường tìm kiếm với trung tâm là Google, mới chính là điều đáng lưu tâm.

"Chúng tôi chắc chắn đang gặp phải vấn đề về sự thiếu tính cạnh tranh trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm. Chúng tôi không ngại phải nói thẳng điều đó".

Cả Mozilla và Google đều là những người đang sở hữu những trình duyệt có khả năng cạnh tranh với IE, dĩ nhiên là những người ủng hộ phán quyết chống lại Microsoft. Tất cả cũng bắt nguồn từ một cáo buộc của Opera Software ASA, cho rằng Microsoft đã lợi dụng sự độc quyền của mình để "triệt hạ" trình duyệt Opera của họ.

Các nhà làm luật cũng tiết lộ họ có thể sẽ xem xét lại xem những trình duyệt nào đủ điều kiện để được đưa vào sử dụng, nhằm chắc chắn rằng người dùng sẽ có thể đưa ra những "lựa chọn tối ưu".

Bà Kroes cũng cho biết thỏa thuận này không cho phép Microsoft phân biệt đối xử với những hãng sản xuất máy tính cá nhân sử dụng trình duyệt của hãng khác để thay thế cho IE trong sản phẩm của mình. Hầu hết khách hàng thường mua máy tính được cài sẵn hệ điều hành và phần mềm từ các nhà sản xuất như Dell hay Hewlett-Packard (HP).

Microsoft cũng đã hứa sẽ chia sẻ nhiều hơn thông tin cho các công ty phần mềm trong vòng 10 năm tới nhằm giúp họ phát triển những chương trình và ứng dụng tương thích với Windows, Windows Server, Office, Exchange và SharePoint. Microsoft đã công bố dự định này trên trang chủ của mình.

Smith cho biết Microsoft cũng được yêu cầu phải cung cấp những tiêu chuẩn và tài liệu về cách thực thi các ứng dụng trên trong sản phẩm của mình, bao gồm cả trình duyệt web.

Những yêu cầu trên được đưa ra nhằm xoa dịu những "phàn nàn" rằng Microsoft không nghiêm chỉnh tuân theo các tiêu chuẩn dành cho Web. Cụ thể là họ đã phát triển và đưa vào sử dụng chuẩn OpenXML của riêng mình thay vì sử dụng chuẩn chung cho tài liệu là Open Document Format.

Thomas Vinje, luật sư của nhóm các công ty phản đối cung cách làm ăn của Microsoft, cho rằng thỏa thuận trên là chưa đủ để thay đổi sự lạm quyền của gã khổng lồ phần mềm trong việc đưa vào áp dụng các chuẩn, hay giá cả bất hợp lý của sản phẩm cùng một số vấn đề liên quan đến lạm dụng độc quyền.

Tuấn Hưng
Theo AP