Hà Nội: ĐTDĐ “nhái”... mua đâu cũng có

“Bán ĐTDĐ hàng xách tay Hong Kong, Đài Loan mới 100% đầy đủ phụ kiện... W800C kiểu dáng giống W800i của Sony Ericsson, thẻ nhớ 128Mb, màn hình 265.000 màu, nghe nhạc 3D, chụp hình, giá 2,3 triệu đồng.

8800 vỏ kim loại, mạ màu saphir sáng bóng, trượt nhẹ nhàng, kiểu dáng giống Nokia 8800, thẻ nhớ rời kèm theo 128Mb, quay phim, giá 3,5 triệu đồng. O2 siêu mini, hàng Hong Kong, mới 100%, đủ PK, thẻ 128Mb... giá 2,8 triệu đồng” - đó là những lời rao bán ĐTDĐ nhái xuất hiện rộng rãi trên mạng và đang được tiêu thụ khá nhiều trên thị trường Hà Nội thời gian gần đây.

 

Nhái”... đủ loại, đủ giá

 

Tại một cửa hàng ĐTDĐ trên phố Trần Khát Chân - Hà Nội, chủ cửa hàng khi nghe chúng tôi tìm mua ĐTDĐ “nhái”, liền nói “bọn em có thiện chí mua thì hãy xem hàng, cửa hàng không bày hàng, lỡ bị kiểm tra thì... mệt”. Bà chủ này cho biết ĐTDĐ “nhái” thời gian gần đây bán khá chạy, mỗi ngày bán vài ba máy cũng kiếm được tiền triệu.

 

Ghé thử vào vài cửa hàng trên phố Bạch Mai, hầu hết đều bày các loại ĐTDĐ cũ và các linh kiện để thay thế. Một chủ cửa hàng khi nghe chúng tôi băn khoăn sao không thấy bày hàng mới của công ty, cho biết cửa hàng kinh doanh nhỏ, mở ra chỉ để làm trung gian buôn bán kiếm lời. Khi khách có nhu cầu mua mới thì ngồi đợi, đi lấy ở nơi khác về. Hỏi hàng được lấy ở đâu và nguồn gốc thế nào? Tất cả đảm bảo là hàng “xịn” xách tay về nhưng không tiết lộ gì thêm. Anh bạn đi cùng tôi hỏi mua chiếc W800 hàng nhái giống W800i của Sony Ericsson, được bán với giá 2,2 triệu đồng. Máy chính hãng có giá là 6,8 triệu.

 

Phố Đặng Dung, quen gọi “chợ ĐTDĐ”, các cửa hàng nằm san sát và kinh doanh đủ loại “dế” từ hàng “cục gạch” Nokia 3210 màn hình đen trắng đến hàng cao cấp như Nokia 8800 còn bảo hành đến cuối 2006 và hàng nhái những model đang ăn khách hiện thời như: W800i (Sony Ericsson), 7360, 8800 (Nokia); D600 (Samsung)... nhưng tất cả những hàng nhái nói trên đều có những cái tên rất lạ.

 

Tôi hỏi mua chiếc MP4 nhái kiểu Nokia 7360, người bán hàng giới thiệu là “hàng xách tay” từ Đài Loan về, giá 2,3 triệu đồng. Chỉ vào hai máy có tên MP4 Music và MP4 Music Mobile nhái theo W800i của Sony Ericsson, hỏi hai máy này có gì khác nhau. Chủ hàng giải thích: “MP4 Music Mobile là máy đời cao hơn, có chức năng xem được video, còn MP4 Music thì không, giá mỗi máy tương ứng 2,2 triệu và 2,8 triệu đồng”.

 

Một số cửa hàng nhỏ nằm cuối phố, người bán cũng chào những mẫu nhái như trên với giá chỉ khoảng hơn hai triệu. Ngay cả những dòng cao cấp PDA như O2 cũng bị nhái với giá không quá 3 triệu đồng.

 

Khó kiểm tra...?

 

H. CD, chủ một tiệm cầm đồ có “máu mặt” trên phố Đặng Dung, “bật mí”: hầu hết các cửa hàng ĐTDĐ nhỏ, lẻ trên phố mở ra chỉ để làm trung gian mua bán kiếm lời. Hàng được bán trước đây chủ yếu là hàng “ngoài luồng”, thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều hàng “nhái” theo những model đang ăn khách. Khi có nhu cầu, họ điện thoại cho đầu mối mang tới để hưởng hoa hồng...

 

Ông Nguyễn Công San - đội trưởng Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 - cho biết: thị trường máy, linh kiện ĐTDĐ không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái đã gây ảnh hưởng không chỉ đối với người tiêu dùng, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp mà còn gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Trước những hoạt động trên, đội QLTT đã điều tra để bóc tách hành vi buôn bán hàng giả hàng nhái.

 

Từ đầu năm 2006, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Hà Nội đã xử lý năm vụ buôn bán máy, linh kiện ĐTDĐ là hàng giả hàng “nhái”. Ông San nói: “Trước đây phần lớn là hàng ngoài luồng. Giờ đây có cả hàng cũ, hàng mới, linh kiện không rõ nguồn gốc về lắp ráp thành máy “xịn”. Những loại hàng này được hợp thức hóa qua hiệu cầm đồ bán với giá thấp hơn máy “xịn” nên người mua lầm là hàng cầm cố”.

 

Việc phát hiện và xử lý là rất khó khăn đối với cơ quan chức năng. Đây là loại hàng nhỏ gọn, có thể cất giấu rất dễ dàng. Vì vậy, theo ông San, người mua đừng ham rẻ, nên mua hàng ở những điểm kinh doanh uy tín, có sự giao dịch rõ ràng.

 

Ông Ngô Xuân Sử - đại diện của Sony Ericsson tại miền Bắc - bày tỏ cũng biết trên thị trường xuất hiện nhiều ĐTDĐ nhái thương hiệu của hãng, trước tình hình như vậy hãng cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hàng ngoài, vì dòng ĐTDĐ nhái này người tiêu dùng có thể nhận biết khá dễ dàng, còn việc chọn mua hay không là quyết định của họ.

 

Theo Ngọc Tuấn

Tuổi trẻ