Google lần đầu tiên dạy lập trình Scratch miễn phí cho trẻ em Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 29/5, Google đã chính thức công bố dự án giáo dục “Lập trình Tương lai cùng Google" dành cho trẻ em cấp tiểu học tại TP.HCM, Vĩnh Long và Tiền Giang (ĐBSCL). Đây là chương trình nhằm trang bị kiến thức cơ bản về lập trình và phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em.
Google cho biết, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư được hình thành từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Vì vậy công nghệ thông tin (CNTT) là mắt xích rất quan trọng giúp người lao động hội nhập vào lực lượng lao động sản xuất tiên tiến, có sức cạnh tranh toàn cầu. Những kỹ năng CNTT và khoa học máy tính cần được xem là kỹ năng cơ bản của mọi học sinh ngay từ những cấp học đầu tiên. “Lập trình Tương lai cùng Google” là dự án giáo dục do Google khởi xướng và mang đến Việt Nam nhằm góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ tự tin hoà mình vào xu hướng phát triển Cách Mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) theo định hướng của Chính phủ.
"Dự án “Lập trình Tương lai cùng Google" không chỉ đem tới cơ hội tiếp cận kiến thức nền tảng sẵn sàng cho trẻ em trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, gieo mầm sáng tạo cho trẻ, mà còn đào tạo lực lượng giảng viên là cầu nối truyền tải tri thức, tạo nên tính bền vững của dự án". Đại diện Google chia sẻ thêm.
Dự án giáo dục lần này hoàn toàn miễn phí, tài trợ bởi Google, được triển khai bởi Trung tâm Phát triển Cộng đồng Mê Kông, và hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu).
“Lập trình Tương lai cùng Google" sẽ đem đến 10.000 giờ học lập trình Scratch miễn phí cho hơn 1.200 học sinh tiểu học và giúp đào tạo 30 giáo viên tại 10 trường tiểu học công lập thuộc TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Tiền Giang. Chọn ngôn ngữ lập trình Scratch, dự án giáo dục này được bắt đầu từ tháng Năm đến tháng Tám năm 2018.
Ngôn ngữ lập trình Scratch được nghiên cứu và phát triển bởi nhóm Lifelong Kindergarten thuộc trung tâm Media Lab của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Do hướng tới đối tượng là trẻ em, ngôn ngữ lập trình Scratch phát triển theo hướng tương tác trực quan, đồ họa sống động, sản phẩm liền tay mà vẫn đảm bảo tính khoa học, tính liên thông tri thức logic về sau. Với Scratch, thay vì phải viết những dòng lệnh thì các em chỉ cần tư duy logic, chọn kéo và thả các khối lệnh đầy màu sắc có sẵn để lắp ghép thành một kịch bản điều khiển các đối tượng trên màn hình máy tính.
Gia Hưng