Gian nan chat trên mobile

Cũng giống như chat trên Internet, chat trên điện thoại cho phép các thuê bao di động có thể tán gẫu với nhau về sở thích, kinh nghiệm việc làm hay làm quen với những người bạn mới bằng cách gửi tin nhắn thông qua phòng chat (chat room) đã có trong hệ thống.

Ván cờ đã mở

 

Hơn nữa, những ai có nhu cầu “nội bộ” cũng có thể tạo “phòng riêng” (private room) để mời bạn bè cùng chat. Chat trên mobile là sử dụng các chức năng gửi tin nhắn thông thường nhưng lại có những tiện ích hơn hẳn, nên còn được gọi là "nhắn tin thông minh".

 

Tại Hội chợ Thương mại 3GSM gần đây ở Barcelona, 15 mạng điện thoại lớn nhất thế giới, trong đó có Vodafone, Orange, T-Mobile,... đã đồng ý hợp tác để tạo điều kiện cho người sử dụng có thể dễ dàng tán gẫu bằng điện thoại như trên máy tính.

 

Tháng 12 năm ngoái, người dùng di động ở Anh đã gửi 3,1 tỷ tin nhắn, ước tính gần 20% lợi nhuận của các hãng điện thoại là nhờ tin nhắn. Nhất là hiện nay với thế hệ điện thoại 3G, các hãng tin rằng họ có thể đưa việc chat qua điện thoại trở thành hiện thực, bởi các mạng 3G có thể truyền đi nhiều dữ liệu hơn, tốc độ nhanh hơn khiến các tin nhắn có thể gửi đi và trả lời ngay lập tức.

 

Cũng trong hội chợ này, 15 hãng phủ sóng đến gần 700 triệu người dùng mobile đã đồng ý dùng một chuẩn duy nhất cho “Instant messaging” để người dùng có thể tán gẫu qua nhiều mạng lưới. Họ hy vọng rằng với việc giúp khách hàng chat trên điện thoại thay vì trên máy tính, các hãng sẽ thu được lợi nhuận không nhỏ.

 

Nhận định này càng được khẳng định khi báo cáo “Tương lai của tin nhắn di động 2005-2010” của hãng phân tích Portio Research vừa được công bố. Tổng doanh số tin nhắn SMS vào năm 2010 sẽ vào khoảng 50 tỷ USD với khoảng 2,38 ngàn tỷ tin nhắn được gửi đi từ tất cả ĐTDĐ trên toàn cầu.

 

Cũng theo dự báo này, các công cụ dạng nhắn tin như nhắn tin trực tuyến bằng mobile cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh dù cũng phải đợi đến 5 hoặc 6 năm nữa mới có sự đột biến, khi các thuê bao di động có khả năng truy cập Internet sẽ dần trở thành đa số, đưa đến xu thế hạ giá mạnh mẽ dịch vụ truy cập net cho ĐTDĐ.

 

Nhiều công ty như Google, Microsoft và Yahoo cũng đã để mắt đến thị trường đầy tiềm năng này do số điện thoại đang được lưu hành còn nhiều gấp đôi máy tính. Cuộc đua đưa net lên “dế” ngày một sôi động với việc Yahoo châm ngòi bằng dự án “Go to mobile”.

 

Dự án này bao trùm lên một loạt ứng dụng truyền thông và viễn thông quen thuộc của Yahoo, từ chat, truy cập e-mail, đến tìm kiếm Web... Quan trọng là tất cả các thiết bị như ĐTDĐ nối mạng Internet đều có thể sử dụng Yahoo mà không cần tới trình duyệt Internet. Điều đó khiến ranh giới giữa mạng điện thoại và Internet bị xoá mờ, và khả năng phát triển của “Chat trên mobile” không có gì phải bàn cãi.

 

Sân nhỏ, tướng lớn

 

Trong xu thế chung, các nhà cung cấp mạng tại Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc trong việc cung cấp tiện tích chat trên mobile. Tiên phong là 2 “đại gia” MobiChat của VMS (ra đời ngày 01/10/2001) và VinaChat của GPC (ra đời ngày 10/02/2002). Tuy nhiên, theo GPC, dịch vụ VinaChat hiện nay đang gặp một số lỗi kỹ thuật nên đang tạm ngừng để nâng cấp. Ngừng VinaChat, song VinaPhone lại quay trở lại cạnh tranh với Viettel bằng việc ký hợp đồng với Yahoo! cung cấp dịch vụ chat trên mobile một cách đơn giản bằng tin nhắn thông qua số 8269.

 

Trong khi đó, dịch vụ MobiChat từ khi đưa vào hoạt động trên mạng MobiFone cho đến năm 2003, đã có khoảng 40.000 người sử dụng. Hàng ngày, số lượng tin nhắn gửi đến hệ thống MobiChat vào khoảng 2.000 tin nhắn. Và số lượng SMS từ hệ thống MobiChat gửi đến khách hàng khoảng 15.000 tin nhắn/ngày. Đa số người sử dụng là các bạn trẻ, đề tài được quan tâm nhiều nhất là tình yêu và các vấn đề về cuộc sống, xã hội...

 

Đặc biệt, số lượng người sử dụng dịch vụ này mỗi tháng tăng thêm khoảng 1.000 người. MobiChat cũng không ngừng nâng cấp, cung cấp các tiện ích của các phần mềm chat thông thường như Block User (Khoá đối tượng chat), tìm kiếm Buddy (tìm theo danh sách liệt kê đối tượng chat), thông báo khi bạn chat quen (Buddy) vừa vào hoặc ra khỏi hệ thống MobiChat... Bên cạnh tiện ích chat trong các chat room theo các đề tài mà người sử dụng quan tâm, dịch vụ MobiChat cho phép người sử dụng tạo các private room hoặc chat riêng giữa hai người (Private).

 

Viettel cũng chính thức tham gia cung cấp dịch vụ chat trên mobile từ ngày 14/03 năm nay với Yahoo! Messenger (YM) - dịch vụ cho phép thuê bao Viettel có thể sử dụng YM ngay trên mobile mà không cần phải kết nối GPRS. Viettel Mobile là mạng di động đầu tiên cho phép khách hàng trao đổi 2 chiều và thuận tiện với YM (trong khi các mạng di động khác chỉ cho phép khách hàng nhắn tin tới YM mà chưa cho phép nhắn theo chiều ngược lại).

 

Theo thông tin từ Viettel, từ khi chạy thử nghiệm, mạng này đã thu hút được số lượng khách tham gia khá lớn. Tháng 3, tổng số bản tin nhắn chat qua hệ thống 8269 là 33.678 tin. Và trong tháng 4, con số này đã là 35.493 tin.

 

Hành trình gian nan

 

Dịch vụ chat không tính cước đăng ký, cước thuê bao tháng mà chỉ tính cước sử dụng dịch vụ. Vì cho dù các thuê bao gửi tin nhắn cho một hay nhiều người, mỗi tin nhắn chỉ bị tính cước một lần, cước này được tính ngang bằng hoặc thấp hơn với cước tin nhắn.

 

Tuy nhiên, hiện tại dịch vụ cũng chưa thu hút được nhiều khách hàng. Vì so sánh với cước mà khách hàng phải trả khi chat tại những nơi cung cấp dịch vụ Internet công cộng thì mức cước chat trên mobile là khá đắt, nhất là khi giá sàn ở các cửa hàng bây giờ chỉ còn khoảng 1.500 đồng cho một tiếng lướt web và “chát chít” thoả thích.

 

Còn giá cả chat trên mobile thì... mỗi lần nhắn tin chat qua hệ thống, giá cước ngang với cước tin nhắn thường, và để chat thoải mái, khách hàng cũng phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Thêm vào đó, việc sử dụng dịch vụ chat qua Yahoo! tuy hấp dẫn đấy, nhưng cước khá cao, 2.000 đồng/tin nhắn gửi đi (đã bao gồm VAT).

 

Theo nhà cung cấp, đang trong thời gian khuyến mãi, một account được 5 tin nhắn miễn phí một ngày và chỉ tính cước từ tin thứ 6 trở đi. Nhưng những “đệ tử hai ngón” muốn “đã” cơn nghiền thì số tiền bỏ ra sẽ là không nhỏ, liệu có nhiều người dám móc “hầu bao” để chát chít thoải mái?

 

Trong thời gian thử nghiệm, khách hàng được “free” khi sử dụng dịch vụ nên số lượng khách hàng “ảo” là rất nhiều. Chẳng hạn như MobiChat khi bắt đầu triển khai dịch vụ vào tháng 10/2001, trong 14 ngày đầu tiên đã có trên 3.500 người đăng ký sử dụng và có khoảng 25.000 tin nhắn nhanh được gửi đi.

 

Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn đầu. Còn hiện tại, dịch vụ này cũng chưa mang lại lượng khách hàng như mong đợi. Ngay Viettel và VinaPhone cũng lo ngại rằng sau thời gian thử nghiệm, lượng khách hàng thật sẽ thấp hơn so với dự tính. Điều này sẽ gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp.

 

Nhưng nếu có được lượng khách lớn, các nhà cung cấp vẫn cứ lo ngại bởi cơ sở hạ tầng mạng của Việt Nam chưa ổn định. Các sự cố xảy ra liên tục, có nhiều tin nhắn SMS chậm hay không đến nơi là "chuyện cơm bữa" huống chi sự bất ổn định của các tin nhắn MMS.

Việc nâng cao cơ sở hạ tầng mạng không phải là chuyện đơn giản, để làm được điều đó cần có sự chung sức của rất nhiều mắt xích trong một dây chuyền. Vì thế thật khó có thể khẳng định trước được điều gì.

 

Theo thông tin mới nhất của Viettel Mobile, đối tác cung cấp dịch vụ YM trên mobile tại Việt Nam, đã bị phía Yahoo! cắt dịch vụ do không thực hiện đúng hợp đồng.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam (Viettel, VinaPhone, MobiFone...) đang phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ này, chờ đợi động thái mới từ phía Yahoo! sau khi ký kết lại hợp đồng.

 

Thông tin từ phía VinaPhone cho biết, đến cuối năm nay, VinaPhone sẽ cung cấp thêm các dịch vụ chat mới qua MSN và ICQ. Như vậy, cơ hội cho “chat trên mobile” không phải dễ dàng như người ta tưởng, dịch vụ GTGT này để phát triển vẫn còn đó lắm chông gai.

 

Theo Song Anh

eChip

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm