Gặp nhiếp ảnh gia Việt giữ kỷ lục trên tạp chí danh tiếng National Geographic

(Dân trí) - Trần Tuấn Việt là một nhiếp ảnh gia trẻ đang nổi lên như một hiện tượng tại Việt Nam. Tay chơi ảnh xứ Nghệ này đã đánh bại 150.000 bức ảnh, xuất sắc sở hữu kỷ lục 17 bức ảnh trong Top ảnh đẹp nhất trong ngày do tạp chí National Geographic bình chọn.

Trần Tuấn Việt xuất thân là sinh viên khoa Kiến trúc - Đại học Xây dựng Hà Nội. Ban đầu tay chơi ảnh này tính rẽ hướng sang làm cho một công ty về CNTT. Tuy nhiên, như một "cái nợ”, nhiếp ảnh lại bén duyên với anh vào năm 2007 với lối chơi ảnh rất riêng. Việt cho rằng, anh mong muốn mình là một "visual storyteller" (người kể chuyện bằng hình ảnh) thay vì là một "photographer" (nhiếp ảnh gia). Những hình ảnh của anh mang ý nghĩa kể về những câu chuyện đời thường, về những con người, về những làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Trần Tuấn Việt hiện đang giữ kỷ lục trong giới nhiếp ảnh Việt khi có 17 bức ảnh được đăng trong Top ảnh đẹp nhất trong ngày do tạp chí National Geographic danh tiếng bình chọn.

Mới đây, nhiếp ảnh gia trẻ TrầnTuấn Việt tiếp tục xuất sắc vượt qua gần 1.200 tác giả từ 37 quốc gia và gần 12.000 tác phẩm tham gia để đoạt Huy chương Vàng hạng mục ảnh tự do, cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017 (VN-17). Đây là cuộc thi lớn nhất, và cạnh tranh khốc liệt nhất trong năm 2017 của Việt Nam, được tổ chức bởi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế. Dân trí đã có buổi gặp gỡ nhanh với tay chơi ảnh cự phách này và cùng chia sẻ về những câu chuyện vui buồn xung quanh những bức ảnh của anh.


Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt

Xin chào anh, được biết anh là một kiến trúc sư nhưng vì sao anh lại lựa chọn ngã rẽ đi theo con đường nhiếp ảnh? Có lý do nào đặc biệt không, thưa anh?

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt: Tôi đến với nhiếp ảnh bằng đam mê, chưa phải là một nghề nghiệp. Ban đầu chỉ là một thú chơi để ghi lại những hình ảnh nơi mình đi qua, dần dần tôi nghiêm túc và trau chuốt hơn cho từng bức ảnh của mình. Tôi luôn mong muốn ghi và kể lại những câu chuyện bằng hình ảnh mà mình thích. Rất tình cờ và hạnh phúc khi hình ảnh từ đam mê của bản thân mình dần được nhiều người yêu thích và đón nhận.

Việc bén duyên với nhiếp ảnh, từ một tay ngang, trở thành một người chơi ảnh có tầm ảnh hưởng. Anh có nghĩ rằng, đó là cái duyên cái nợ không? Nếu được chọn lại từ ban đầu, anh có chọn ngay làm nhiếp ảnh gia thay vì phải “bào mòn ghế”ở trường Kiến trúc?

Tôi nghĩ, có lẽ nhiếp ảnh chính là "duyên nợ", bức ảnh tôi yêu thích nhất hiện giờ là ảnh chụp tôi năm 6 tuổi với chiếc máy ảnh trên tay. Nhiếp ảnh cho tôi được trải nghiệm cuộc sống, thể hiện cảm xúc, được hiểu biết thêm nhiều câu chuyện về thế giới quan quanh mình. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn nhiếp ảnh là đam mê của cuộc đời mình.

Tuy vậy, tôi nghĩ mình chưa có ảnh hưởng gì đáng kể, có chăng chỉ là tạo được ít cảm hứng nhỏ cho vài người cũng chơi ảnh như mình. Việc mỗi hình ảnh của mình được nhiều người đón nhận và yêu thích là động lực để tôi luôn tìm tòi và mong muốn có những hình ảnh mới mẻ, có nội dung hay và truyền tải được nhiều những thông điệp ý nghĩa.

Để đạt được thành công như hiện nay, có lẽ anh cũng phải trải qua những khó khăn khi là người chơi tay ngang. Anh có nghĩ rằng mình may mắn khi đi theo con đường này? Có những kỷ niệm nào đẹp nhất của anh khi lần đầu hướng sang mảng nghệ thuật này?

Tôi mất hơn 7 năm để tìm ra được hướng đi riêng cho bản thân mình ở nhiếp ảnh. Quá trình đó là tự thân tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu và tích lũy kiến thức về nhiếp ảnh. Bản thân tôi không qua bất kỳ trường lớp chính thống nào về nhiếp ảnh. Mọi kiến thức có được ở nhiếp ảnh đều là tự học. Tôi tìm hiểu và tự mình trải nghiệm ở mọi thể loại nhiếp ảnh, từ chân dung, phong cảnh, thiên văn, đường phố, thể thao, thiên nhiên hoang dã, đời thường, thậm chí cả nude art... Tôi nghĩ rằng mình đã may mắn khi không chịu ảnh hưởng của bất kỳ ai và tự định hình được phong cách của bản thân mình.

Ảnh Làm hương của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt
Ảnh "Làm hương" của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt

Kỷ niệm đẹp nhất là một buổi chiều lang thang ngẫu hứng ở làng Quảng Phú Cầu 1 năm trước, nơi tôi chụp được bức ảnh "Làm hương", được đăng trên ấn bản tháng 6 năm 2017 của tạp chí National Geographic, một vinh dự mà rất nhiều nhiếp ảnh gia mong muốn có được ở một tạp chí lâu đời và uy tín của thế giới.

Đối với anh, nhiếp ảnh đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của anh?

Nhiếp ảnh tạo cảm xúc rất lớn trong cuộc sống của tôi, vui rất nhiều và buồn cũng có. Nhiếp ảnh cũng tạo cho tôi nhiều động lực hơn trong cuộc sống, cho tôi thêm niềm vui và rất nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Rất vui khi có những người bạn nước ngoài nhận xét rằng: "Những hình ảnh của tôi cho họ thấy cuộc sống ở Việt Nam mà họ chưa bao giờ biết". Và rằng "những hình ảnh của tôi là một công cụ đại sứ tuyệt vời cho Việt Nam." (trích bình luận của Carolyn Angus, một nhiếp ảnh gia đến từ Canada. Nguồn: http://on.natgeo.com/1XE7u8n )


Trần Tuấn Việt tìm lại để trao món quà kỷ niệm cho người phụ nữ nhỏ nhắn, với bàn tay dính đầy màu hương đỏ, nhân vật trong bức ảnh Making Incense, tình cờ được xuất hiện khắp nơi trên thế giới qua ấn bản tháng 6/2017 của National Geographic Magazine.

Trần Tuấn Việt tìm lại để trao món quà kỷ niệm cho người phụ nữ nhỏ nhắn, với bàn tay dính đầy màu hương đỏ, nhân vật trong bức ảnh "Making Incense", tình cờ được xuất hiện khắp nơi trên thế giới qua ấn bản tháng 6/2017 của National Geographic Magazine.

Anh yêu thích thể loại ảnh nào, thưa anh?

Tôi mong muốn mình là một "visual storyteller" (người kể chuyện bằng hình ảnh) thay vì là một "photographer" (nhiếp ảnh gia). Những hình ảnh của tôi kể về những câu chuyện đời thường, về những con người, về những làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Xin anh chia sẻ về yếu tố quan trọng nhất trong những bức ảnh của anh là gì?


Một nhóm trẻ em đùa vui khi chơi với lốp xe máy cũ trên cồn cát gần bãi biển Mũi Né, một thị trấn ven biển tỉnh Bình Thuận. Trò chơi đơn giản này được chơi bởi trẻ em khắp nơi trên thế giới. Ảnh đẹp nhất trong ngày 14/7/2017 đăng trên tạp chí National Geographic của Trần Tuấn Việt.

Một nhóm trẻ em đùa vui khi chơi với lốp xe máy cũ trên cồn cát gần bãi biển Mũi Né, một thị trấn ven biển tỉnh Bình Thuận. Trò chơi đơn giản này được chơi bởi trẻ em khắp nơi trên thế giới. Ảnh đẹp nhất trong ngày 14/7/2017 đăng trên tạp chí National Geographic của Trần Tuấn Việt.

Con người là yếu tố quan trọng nhất trong hình ảnh của tôi. Đó có thể là một người nông dân trên cánh đồng phủ đầy sương sớm ở An Giang, những người phụ nữ nở nụ cười khi làm nghề truyền thống ở làng So - Hà Nội, một người phụ nữ tưới rau bất chợt gặp ven đường ở Phú Thọ, những người nông dân đi cà kheo trên biển Nam Định hay những người thợ điện treo mình cheo leo trên đường dây cách mặt đất cả trăm mét.

Sau khi tham dự các cuộc thi ở nước ngoài, anh cảm nhận thế nào về những khó khăn, và những thiệt thòi của các nhiếp ảnh gia Việt?

Tôi nghĩ rằng các nhiếp ảnh gia Việt Nam cũng đã có nhiều thành công nhất định ở các sân chơi lớn của nước ngoài. Khó khăn của nhiếp ảnh gia Việt hiện tại, đấy là rào cản ngôn ngữ. Họ cũng quá để tâm tới những vụn vặt ngoài rìa nhiếp ảnh thay vì dành thời gian trau dồi về chuyên môn, về kỹ thuật.

Để có thể tự tin tham gia các cuộc thi nhiếp ảnh trên toàn cầu, bằng kinh nghiệm của mình, anh có những lời khuyên gì nào cho những người yêu thích nhiếp ảnh tại Việt Nam không?

Thiên Nga là tác phẩm đoạt Huy chương Vàng hạng mục ảnh tự do, cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017 (VN-17), với gần 1.200 tác giả từ 37 quốc gia và gần 12.000 tác phẩm tham gia.
"Thiên Nga" là tác phẩm đoạt Huy chương Vàng hạng mục ảnh tự do, cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017 (VN-17), với gần 1.200 tác giả từ 37 quốc gia và gần 12.000 tác phẩm tham gia.

Ngoài việc hoàn thiện về kỹ thuật, về phương pháp thể hiện, tôi nghĩ người chơi ảnh nên tìm những câu chuyện đặc sắc và mới mẻ. Xem ảnh thật nhiều, đặc biệt là các hình ảnh từ các nhiếp ảnh gia nước ngoài, cũng là cách học hỏi tư duy và góc nhìn của họ. Việt Nam mình rất đẹp, từ phong cảnh núi rừng, biển đảo, thiên nhiên kỳ vỹ, con người và cuộc sống rất phong phú để ghi lại. Và điều quan trọng nhất, cho họ thấy những gì họ chưa bao giờ thấy.

Đối với những bạn trẻ yêu nhiếp ảnh đang muốn theo đuổi sự nghiệp làm nhiếp ảnh gia trong tương lai. Anh có lời khuyên nào cho các bạn không?

Để thành công trong nhiếp ảnh và trở thành một nhiếp ảnh gia, các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh trước tiên nên tìm hiểu rõ kỹ thuật, mở mang tư duy mỹ thuật, trau dồi về kiến thức xã hội học và không ngừng tìm tòi sáng tạo. Các bạn trẻ cũng nên xác định rõ thể loại nhiếp ảnh mình yêu thích và tập trung vào nó, thay vì lan man chụp nhiều thể loại hoặc chạy theo phong trào.

Tương lai anh sẽ lựa chọn nhiếp ảnh là công việc chính của mình không? Anh có những định hướng nào có thể chia sẻ cùng với độc giả không?

Tôi nghĩ là "vạn sự tùy duyên", nếu có duyên thì có thể nhiếp ảnh sẽ là công việc chính của bản thân mình. Thật hạnh phúc nếu được làm công việc mà mình đam mê. Về định hướng tương lại, tôi mong muốn bản thân mình sẽ chụp được thêm nhiều hình ảnh đẹp của Việt Nam, nhiều câu chuyện Việt Nam.. và được bạn bè quốc tế đón nhận. Tôi có cảm hứng đặc biệt từ nhiếp ảnh gia - huyền thoại sống Steve McCurry, tôi cũng mong muốn tương lai được đi khắp nơi để ghi lại những hình ảnh đẹp trên thế giới như ông.

Xin cảm ơn anh với buổi trò chuyện hôm nay và chúc anh gặt hái được nhiều thành công trên con đường chinh phục những giải thưởng nhiếp ảnh lớn trên thế giới.

Gia Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm