Elon Musk giải thích lý do vì sao muốn mua lại mạng xã hội Twitter
(Dân trí) - Elon Musk vừa đưa ra lời giải thích lý do vì sao sẵn sàng chi ra 43 tỷ USD để mua lại toàn bộ mạng xã hội Twitter và đưa Twitter trở thành công ty tư nhân, do riêng Musk sở hữu.
Cuối tháng 3 vừa qua, tỷ phú Elon Musk úp mở ý định xây dựng một nền tảng mạng xã hội của riêng mình để có thể tự do bày tỏ quan điểm cá nhân mà không bị hạn chế như khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, có vẻ như giờ đây, Musk nhận ra rằng mua lại một mạng xã hội sẵn có để làm chủ thì nhanh và đơn giản hơn là xây dựng một nền tảng mới hoàn toàn. Để thực hiện điều này, Elon Musk đã mua lại 73 triệu cổ phiếu của Twitter, tương đương với 9,2% cổ phần tại mạng xã hội này, đưa Elon Musk trở thành cổ đông lớn nhất Twitter, vượt xa cả cổ phần mà nhà sáng lập Jack Dorsey đang nắm giữ.
Không dừng lại ở đó, mới đây Elon Musk cho biết muốn chi ra 43 tỷ USD để mua lại toàn bộ cổ phần tại Twitter, đưa công ty này trở thành một công ty tư nhân do Elon Musk làm chủ, thay vì một công ty cổ phần đại chúng như hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo TED vừa diễn ra vào ngày hôm qua, vị tỷ phú lớn nhất thế giới đã lên tiếng giải thích lý do vì sao mình muốn mua lại toàn bộ mạng xã hội Twitter, thay vì chỉ đóng vai trò cổ đông lớn nhất như hiện nay.
Theo đó, Elon Musk cho biết nếu trở thành chủ sở hữu của Twitter, Musk sẽ có kế hoạch biết Twitter trở thành một nền tảng mạng xã hội mở cho tất cả các nội dung và quan điểm, miễn là các nội dung đó không vi phạm chính sách.
"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải có phạm vi cho tự do ngôn luận. Điều thực sự quan trọng là mọi người nhận thức được rằng họ có thể tự do phát biểu mọi thứ trong giới hạn của pháp luật", Elon Musk nói. "Một dấu hiệu tốt để biết liệu chúng ta có quyền tự do ngôn luận hay không là khi ai đó mà bạn không thích được phép nói điều gì đó mà bạn ghét. Và nếu đúng như vậy thì chúng ta có quyền tự do ngôn luận".
Vị tỷ phú này cũng cho biết ông không đồng tình với việc Twitter cấm tài khoản người dùng vĩnh viễn, mà chỉ nên đưa ra lệnh cấm có thời hạn, như một cách để cảnh cáo những sai phạm của người dùng. Trước đó, Twitter đã ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối với tài khoản của cựu tổng thống Donald Trump vì những phát ngôn sai sự thật của ông này trên Twitter.
Ngoài ra, Elon Musk cũng muốn công khai mã nguồn của Twitter để giúp mạng xã hội này trở nên minh bạch hơn, cho phép người dùng có thể biết được các thuật toán trên Twitter để họ hiểu rằng không có sự thiên vị người dùng nào.
"Mục đích của tôi là có một nền tảng công cộng được tin cậy tối đa và bao trùm rộng rãi. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với tương lai của nền văn minh. Tôi không quan đến kinh tế học chút nào", Elon Musk khẳng định việc mua lại Twitter không nhằm mục đích kiếm tiền, mà vì những mục đích cho cộng đồng.
Một kế hoạch khác mà Elon Musk muốn thực hiện với Twitter đó là sẽ bổ sung thêm nút chỉnh sửa nội dung cho nền tảng mạng xã hội này.
"Nút chỉnh sửa" là một trong những tính năng được nhiều người dùng Twitter yêu cầu từ lâu, nhưng hiện tại Twitter vẫn chưa cho phép người dùng chỉnh sửa các nội dung mà họ đã đăng tải.
Về cơ bản, tính năng này sẽ chỉ có tác dụng trong trường hợp người dùng cần chỉnh sửa những lỗi sai chính tả hoặc những đoạn viết nhầm, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng tính năng chỉnh sửa nội dung sẽ bị lợi dụng để thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của các thông điệp đã được chia sẻ lên Twitter, sau khi những thông điệp này đã có một lượng chia sẻ và trở nên phổ biến trên Twitter.
Dù đặt ra nhiều kế hoạch để biến đổi Twitter, Elon Musk cũng thừa nhận rằng việc quản lý một nền tảng mạng xã hội là điều không hề dễ dàng gì.
"Tôi nghĩ rằng sẽ có một vài lỗi trong quá trình vận hành. Tôi chỉ hy vọng rằng mọi thứ không trở nên quá rối rắm", Elon Musk chia sẻ.
Tuy nhiên, mục tiêu thâu tóm Twitter của Elon Musk hiện gặp phải không ít trở ngại, khi mà nhiều cổ đông của mạng xã hội này không muốn bán lại cổ phần cho Elon Musk, cũng như không muốn biến Twitter thành một công ty tư nhân. Dù vậy, Elon Musk khẳng định mình đã có "kế hoạch B" trong trường hợp không thể mua lại toàn bộ Twitter, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết về kế hoạch này.
Theo RT/CNBC