Doanh nghiệp nội “chạy đua với những người khổng lồ”

(Dân trí) - Đó là lời ví von của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc công ty VNG về cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với những gã khổng lồ công nghệ thế giới trong lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo với chủ đề “Hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam và Kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc”, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, cho biết trong lĩnh vực CNTT, công nghệ nội dung số là một trong những ngành còn non trẻ nhưng đã có tiềm năng phát triển và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt đời sống kinh tế- xã hội Việt Nam, đặc biệt đã đóng góp đáng kể vào nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Theo Sách trắng CNTT và Truyền thông Việt Nam do ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bộ TT&TT phát hành, tuy chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu công nghiệp CNTT nhưng xét về tốc độ phát triển, công nghiệp nội dung số là ngành có mức tăng trưởng rất ấn tượng, khoảng 20 - 40%/năm trong gần 10 năm qua. Riêng năm 2011, ngành này đã có mức doanh thu đạt trên 1 tỷ USD, thu hút sự tham gia của khoảng 500-600 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động. Ước tính năm 2012, doanh thu công nghiệp nội dung số đạt tốc độ 12% so với 2011, đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Thị trường tiềm năng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư và doanh nghiệp nổi tiếng từ các nước có nền kinh tế và ngành công nghiệp nội dung số phát triển trên thế giới, như , như IDG Ventures (Mỹ), Quỹ VIG, và VinaCapital... Ông Lê Hồng Trường, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư IDG Ventures VN, công ty hiện đang đầu tư vào hơn 40 doanh nghiệp về CNTT ở Việt Nam cho biết: 5 năm trở lại đây, nhiều quỹ đầu tư nổi tiếng và doanh nghiệp quốc tế đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam. Thị trường này thực sự là một điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn”.

Bộ TT& TT cho biết c

Bộ TT& TT cho biết công nghiệp nội dung số Việt Nam là 1 trong 4 trụ cột của Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT"

Tham gia Hội thảo do Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty VNG, đã có một bài phát biểu theo đơn đặt hàng của Ban tổ chức để chia sẻ về những khó khăn thách thức, rào cản, những chướng ngại vật mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải để có những chính sách, những cơ chế ưu đãi sát thực hơn.

Theo ông Minh, ngành nội dung số, Internet và kỹ thuật số nói chung, tốc độ thị trường thay đổi rất nhanh, thị trường mở ra thì ngay lập tức doanh nghiệp phải nắm bắt, chỉ cần chậm chân thì sẽ trở thành “trâu chậm uống nước đục”. Đối với ngành công nghệ, chỉ cần vài năm là thay đổi cục diện thị trường ngay lập tức.

Ông Lê Hồng Minh thừa nhận trong cuộc chạy đua với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thua kém các đối thủ đến từ nước ngoài về công nghệ và tốc độ phát triển nhưng “đây thực sự là cuộc chạy đua với những người khổng lồ” ông Minh ví von. “Doanh nghiệp Việt Nam chạy đua không nhanh nhưng có một thực tế khó khăn là các công ty trong nước luôn phải vượt qua nhiều chướng ngại vật rất lớn trong việc sản xuất nội dung, điển hình như game, hay là về các hoạt động phân phối”.

Ông Minh lấy ví dụ điển hình như là ngành game, và mạng xã hội, cục diện thị trường thay đổi rất nhanh. Chỉ cần 1 năm, số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam đã tăng từ 3 triệu – 12 triệu, chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường mạng xã hội, hoặc là chỉ trong vòng 6 tháng mà một game mới phát hành cũng đã dẫn đầu thị trường Việt Nam. Điều đáng nói game hàng đầu hiện nay không phải là do một công ty trong nước sản xuất.

Đại diện VNG cho rằng một trong những khó khăn lớn hiện nay mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nội dung số nói riêng đang gặp phải chính sách tại Việt Nam không rõ ràng. Chính sách về Internet và game đã trình dự thảo để lấy ý kiến nhưng sau 2,5 năm vẫn được ban hành (Dự thảo nghị định mới thay thế NĐ 97/CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên internet - V).

Tuy nhiên, đứng về phía các nhà quản lý, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, cho rằng: “Thời gian qua, từ giai đoạn 2006-2010, một số nhà cung cấp nội dung đã cung cấp nhiều tin nhắn rác, nhắn tin mê tín dị đoan, nhắn tin không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Chính loại hình kinh doanh đã tác động tới chính sách, tác động của mặt trái của xã hội… đã làm quan ngại sự phát triển của lĩnh vực này”.

Theo ông Đường, về chính sách, vấn đề đặt ra là sẽ đưa những danh mục dịch vụ nào khuyến khích, ưu đãi, dịch vụ nào cần phải quản lý, thậm chí một số loại dịch vụ phải cấp phép, hoặc có hình thức quản lý chặt chẽ.

Đại diện Bộ TT&TT cũng cho rằng việc quản lý các nội dung số cũng cần làm rõ, cần phải quản các nội dung số như quản báo chí và việc quản lý nội dung tuân thủ theo các quy định hiện hành như nhà nước đã có.

Tham gia Hội thảo, ông Ys Lee, Đại diện Cơ quan thông tin Quốc gia Hàn Quốc (NIA), Cố vấn Trung tâm Hợp tác CNTT Việt Nam - Hàn Quốc, cho rằng Việt Nam cần xây dựng một chính sách nội dung số phổ quát hơn. Ở Hàn Quốc đã có Luật nội dung số và nước này đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển ngành nội dung số là phát triển các khả năng sản sinh nội dung của người dân (user content) và lập được cơ sở hạ tầng để các thành phần tư nhân thông qua những nội dung được nhà nước công bố công khai để sáng tạo nhiều hơn nữa giá trị gia tăng trong đời sống.

Tham gia Hội thảo, ông Ys Lee, Đại diện Cơ quan thông tin Quốc gia Hàn Quốc (NIA), Cố vấn Trung tâm Hợp tác CNTT Việt Nam - Hàn Quốc, cho rằng Việt Nam cần xây dựng một chính sách nội dung số phổ quát hơn. Ở Hàn Quốc đã có Luật nội dung số và nước này đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển ngành nội dung số là phát triển các khả năng tạo ra nội dung của người dân và lập được cơ sở hạ tầng để các thành phần tư nhân thông qua những nội dung được nhà nước công bố công khai để sáng tạo nhiều hơn nữa giá trị gia tăng trong đời sống.

Được biết, Bộ TT&TT đang triển khai dự án hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm và nội dung số; xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi và tiêu chuẩn ISO 27001.

Ngoài ra, để phát triển về lĩnh vực còn non trẻ này, bên cạnh hơn 270 trường đại học có đào tạo chuyên ngành CNTT, với khoảng gần 60 ngành sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Nhà nước đang hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho nguồn nhân lực nội dung số đang làm việc tại các DN.

Trong đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đang triển khai xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai, trong đó, ngành công nghiệp nội dung số là 1 trong 4 trụ cột của chương trình này. Bộ khuyến khích phát triển các sản phẩm nội dung số trọng điểm, mang thương hiệu Việt Nam, và mở rộng phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Mục tiêu phát triển công nghiệp nôi dung số dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 20%/năm và doanh thu vào năm 2015 đạt khoảng 2 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, công nghiệp nội dung số đã thu hút lực lượng lao động hơn 60 ngàn người. Doanh thu bình quân của ngành công nghiệp này đạt hơn 19.000 USD/năm.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm