“Dở khóc dở cười” những tên miền “lạc lối”
(Dân trí) - Tên miền tiếng Việt .vn đã gần như không thể thiếu với các doanh nghiệp trong kỷ nguyên Internet, nhưng việc nhiều “đại gia” trong nước quên đăng ký tên miền quốc tế .com đã gây ra nhiều chuyện “dở khóc dở cười”.
Dù những người trong cuộc vẫn nói rằng họ đã “bị mất” tên miền vì có những cá nhân hay tổ chức đăng ký trước nhưng cũng phải thừa nhận rằng họ đã “chậm chân” và không có tầm nhìn dài hạn về các kế hoạch kinh doanh của mình.
Việc không thuộc quyền sở hữu của những “đại gia” là một điều gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn cầu. Trong xu hướng toàn cầu hóa, việc các doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì thế, có thể thấy, khó khăn trước mắt của họ là làm sao lấy lại được tên miền này.
Nhiều tháng nay, chủ sở hữu của tên miền Viettel.com đã rao bán tên miền này với giá lên tới 1,5 triệu USD (hơn 30 tỷ đồng). Một mức giá quá cao so với chi phí đăng ký một tên miền nhưng có lẽ nhà mạng Viettel cũng phải nghĩ đến việc lấy lại tên miền này.
Nếu như tên miền .com trùng với Viettel được rao bán với giá “cắt cổ” thì nhà mạng VinaPhone dường như là “ê chề” nhất vì tên miền bị “lạc lối”. Không ít người dùng của nhà mạng hàng đầu Việt Nam này “tá hỏa” khi truy cập vào trang web Vinaphone.com với mục đích để cập nhật thông tin về khuyến mãi, gói cước và các dịch vụ. Theo phản ánh của nhiều người dùng, khi gõ địa chỉ VinaPhone.com tên thanh địa chỉ thì được chỉ hướng đến một trang web chứa hình ảnh và nội dung “khiêu dâm”. Tìm hiểu thông tin thì được biết tên miền VinaPhone.com đã được một cá nhân có địa chỉ ở Australia đăng ký từ năm 2003 và phải đến năm 2012 mới hết hạn.
Ông Trần Minh Tân, Phó GĐ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cho biết vì tên miền .com thuộc sự quản lý chung của tổ chức quản lý tên miền quốc tế (ICANN) thế nên VNNIC không thể tác động trong những vụ tranh chấp về các tên miền .com. Theo ông Tân, các doanh nghiệp hiện chỉ có thể thực hiện theo hai cách để lấy lại tên miền trùng với tên kinh doanh của mình, thứ nhất là theo hướng hòa giải, thứ hai là thông qua trọng tài quốc tế, dựa vào quy định của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.
Một “nạn nhân” bất đắc dĩ không được quyền kiểm soát tên miền quốc tế là Bkav. Tên miền Bkav.com đã được một cá nhân ở Mỹ đăng ký từ năm 1997. Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, công ty Bkav đã phải chi 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com - có lẽ đây là số tiền lớn nhất cho một tên miền của Việt Nam được biết đến chính thức tới thời điểm hiện nay.
Nói về việc “chậm chân”, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Công ty, chia sẻ: Vào thời điểm cách đây hơn 10 năm, Bkav không nghĩ tới việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu, do đó Công ty đã không mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước Bkav.com.vn. “Mãi tới năm 1997 Việt Nam mới kết nối Internet, nền kinh tế lại chưa phát triển, trong hoàn cảnh đó doanh nghiệp chưa thể nghĩ đến toàn cầu. Có lẽ đây cũng là lý do mà các thương hiệu khác của Việt Nam đã để mất tên miền quốc tế”, ông Quảng thừa nhận.