Điện thoại di động mừng sinh nhật 25 tuổi!

(Dân trí) - Ngày 13/10/1983, chiếc điện thoại di động thương mại đầu tiên ra đời. Trong suốt 1/4 thế kỷ qua, ngành công nghiệp di động đã trải qua giai đoạn điện thoại “cục gạch” và đang bước tới trào lưu điện thoại cảm ứng với “gã tiên phong” iPhone.

Cách đây đúng 25 năm, Bob Barnett - Chủ tịch hãng viễn thông Ameritech Mobile – đã gọi điện thoại cho cháu trai của ông Alexander Graham Bell, là người khai sinh ra điện thoại cố định, từ chiến trường Chicago bằng điện thoại Motorola DynaTAC. Motorola DynaTAC là điện thoại “cục gạch” đầu tiên được tung ra thị trường. Máy nặng khoảng 1,1 kg và có giá bán “trên trời” tới 4.000 USD.

Với trọng lượng 1,1 kg, DynaTAC không đúng nghĩa với hai từ “di động”. Ngoài giá bán đắt đỏ, dịch vụ di động ngày đó cũng được xem là “vàng”, chi phí thuê bao hàng tháng là 50 USD, cộng thêm 40 cent/phút đàm thoại trong giờ cao điểm.

 

ĐTDĐ thời đấy là những thiết bị dành cho giới thượng lưu. Còn ngày nay, ĐTDĐ đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Giá bán của điện thoại và dịch vụ di động ngày càng phải chăng.

 

Bước qua thời “cục gạch” không lâu, ĐTDĐ tiến hóa thành những “siêu mẫu” “chân dài” hay được khoác những “trang phục” lịch lãm, thời trang. Điện thoại iPhone của Apple mở ra một trào lưu mới cho ngành công nghiệp di động với màn hình cảm ứng, thiết kế đẹp và đặc biệt giá thành phải chăng - 200 USD cùng với thuê bao dịch vụ 2 năm.

 

Điện thoại di động mừng sinh nhật 25 tuổi! - 1

 iPhone không chỉ là điện thoại mà còn là thiết bị giải trí

 

Điều gì đã đổi thay qua 25 năm? Năm 1984, 1 năm sau khi Ameritech Mobile khai trương dịch vụ di động đầu tiên, hãng đã có được khoảng 12.000 thuê bao. Còn ngày nay, AT&T, hãng viễn thông lớn nhất nước Mỹ, đã có đến 72,9 triệu khách hàng.

 

ĐTDĐ ngày càng chiếm ưu thế trong xã hội, dần dần thay thế điện thoại cố định trong mỗi gia đình. Theo khảo sát của công ty Nielsen, hơn 20 triệu gia đình tại Mỹ đã cắt thuê bao cố định để dùng riêng ĐTDĐ.

 

Điện thoại ngày nay không chỉ để đàm thoại mà còn được dùng để chụp ảnh, chơi nhạc, lướt web, gửi tin nhắn.

 

Để thúc đẩy tăng trưởng cho ngành công nghiệp di động, các hãng viễn thông trên thế giới đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các mạng di động tốc độ cao, như 3G và sắp tới là sự xuất hiện của mạng 4G. Mạng di động thế hệ thứ 4 vẫn đang là thách thức của các nhà cung cấp dịch vụ.

 

Với những gì đã và đang diễn ra thì chúng ta khó có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trong 25 năm tới trong ngành công nghiệp không dây.

N.H.

Theo CNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm