Điện thoại cũ, hỏng lên giá?

Mua đi bán lại điện thoại cũ tại các cửa hàng máy di động không phải là điều mới mẻ. Nhưng gần đây, biển hiệu được gắn thêm trước cửa các địa điểm này xuất hiện ngày càng nhiều với những dòng chữ như "Mua điện thoại hỏng chấp nhận giá cao nhất", "Mua điện thoại cực cũ với giá cực cao"...

Nguyên do của việc xuất hiện ồ ạt hình thức mua bán này chủ yếu là bởi càng ngày điện thoại càng trở nên phổ thông, không còn là những vật dụng xa xỉ nữa và nhiều khách hàng cũng tạo cho mình thói quen sử dụng điện thoại như một thứ đồ trang sức. Mẫu điện thoại mới xuất hiện ngày càng nhiều, để theo kịp "mốt", nhiều người sẵn sàng bán đi chiếc máy đang sử dụng bình thường của mình, chấp nhận chịu thiệt vài trăm hoặc đến cả triệu đồng để đổi lấy sản phẩm mới hơn, hợp thời trang hơn.

Xu hướng này có thể dễ dàng được kiểm nghiệm nếu có dịp đi qua phố Đặng Dung (Hà Nội). Phố này trước đây nổi tiếng là nơi tập trung nhiều nhất các cửa hiệu cầm đồ của thủ đô, nay càng ngày càng có nhiều cửa hàng bày bán điện thoại đã qua sử dụng. Rất nhiều trong số những mặt hàng đó vẫn còn mới như Motorola V360, Motorola V710, Sony Ericsson K700i, Nokia 6680, Nokia 6230...

"Bạn bè đều dùng hàng mới cả, trong khi mình đã dùng chiếc K700i (Sony Ericsson) cả năm nay rồi nên cũng muốn đổi, nhưng mang ra đây họ trả rẻ quá. Hồi mua mới là 5 triệu đồng mà bây giờ bán đi được có 2,2 triệu", Trần Huy Thái, sinh viên năm thứ nhất Đại học Ngoại thương, tâm sự. Chiếc máy này sau đó được bày bán với giá 3 triệu đồng.

Số lượng người có nhu cầu sử dụng điện thoại di động ngày một lớn, đặc biệt là giới trẻ, nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để trang bị cho mình những sản phẩm đắt tiền. Bởi vậy, những người này tìm đến các cửa hàng điện thoại nói trên để kiếm một chiếc máy đã qua sử dụng. Có người cần bán, có người cần mua và để tồn tại, các cửa hàng phải đáp ứng nhu cầu của khách. Thế là biển hiệu "mua điện thoại cũ" cứ thế nối tiếp nhau ra đời. Nhiều cửa hàng trước đây vẫn thường mua đi bán lại các sản phẩm liên lạc "second-hand" nhưng không treo biển, nay thấy trào lưu lên cao cũng phải tự quảng cáo cho mình.

Sự thật về... "giá cao"

Trên thực tế, giống như khi các cửa hàng quần áo hết mùa đồng loạt treo biển "Đại đại hạ giá" hay những hàng giày dép có đợt "Giảm giá đặc biệt", chữ "giá cao" trong các biển hiệu mới đồng loạt xuất hiện tại các cửa hàng điện thoại di động cũng chỉ là một hình thức thu hút sự chú ý của khách hàng.

Điện thoại di động là một mặt hàng xuống giá rất nhanh. Không cần phải là một chuyên gia trong thị trường điện thoại, nhiều người cũng có thể nhận thấy rằng hầu như chưa bao giờ có hiện tượng giá điện thoại tăng lên mà chỉ có giảm đi nhiều. Bởi vậy, khi một chiếc máy đã qua sử dụng mà muốn bán đi để thu về một giá cao là chuyện... không tưởng, kể cả khi chiếc máy đó còn tốt.

"Khi mua lại một chiếc máy, chúng tôi phải cân đối giá sao cho thật hợp lý. Lấy ví dụ như một chiếc Nokia 6100, giá mua mới cũng chỉ trên dưới 1 triệu đồng", nhân viên bán hàng của cửa hàng số 6 Phan Bội Châu cho biết: "Khi mua lại máy cũ, nếu còn dùng tốt và không hề có hỏng hóc gì thì chúng tôi cũng chỉ dám trả giá một nửa rồi bán cho người có nhu cầu để thu được số lãi nhỉnh hơn 100.000 đồng là cùng, bởi nếu bán cao hơn, người mua sẽ thường có tâm lý thà cố thêm vài trăm để mua máy mới còn hơn".

Chiếc điện thoại phóng viên mang theo để khảo sát là loại 6100 của Nokia đã có hiện tượng chập chờn của màn hình nhưng các phụ kiện và vỏ ngoài vẫn còn khá tốt. Theo nhận định của một nhân viên kỹ thuật tại cửa hàng trên thì chiếc máy vẫn sẽ có giá trị khoảng 300.000-350.000 đồng.

Tuy nhiên, khi cầm chiếc điện thoại đó đến những địa điểm trưng biển mua điện thoại cũ tại Hà Nội thì nhận được rất nhiều câu trả lời lẫn thái độ đón tiếp khác nhau. Nhưng hầu hết đều định giá rất thấp so với mức ước tính ban đầu đã tham khảo.

Khi được hỏi về những loại máy có thể được mua lại, người quản lý một cửa hàng điện thoại Nokia trên phố Thái Hà cho biết: "Chúng tôi mua lại tất cả các loại điện thoại đã qua sử dụng nhưng còn dùng được. Đối với điện thoại đã hỏng hóc, cửa hàng sẽ chỉ trả giá đối với những máy đời cao". Và chiếc Nokia 6100 được người này "phán" với giá là 120.000 đồng.

Tại cửa hàng Tài Anh cũng trên phố Thái Hà, một nhân viên đón lấy chiếc máy với thao tác rất nhanh chóng. Chỉ nhìn qua một chút, anh ta dùng dụng cụ tháo tung máy ra kiểm tra và nhận xét: "Chiếc máy này của anh đã hỏng màn hình, nhiều khả năng là do main bị cong, ốc vít rất nhiều cái đã bị trờn, còn nhựa trên thân máy ở trong tình trạng nứt vỡ... Nếu anh sửa màn hình để tiếp tục dùng thì tốn 120.000 đồng, còn nếu anh bán lại thì cũng chỉ có thể được 100.000 đồng".

Cùng lúc đó, có một khách hàng nữ bước vào cửa hàng với chiếc điện thoại Samsung X430 trên tay. Cô tỏ ra rất bức xúc vì chiếc máy di động của mình mới chỉ mua về có một tuần lễ mà đã đứt dây cáp. Sau khi kiểm tra, chủ cửa hàng hỏi khách với giọng hờ hững: "Vì em là người quen nên bọn anh mới bảo hành chiếc máy này cả một tháng. Bình thường, với các máy đã qua sử dụng được bán ra, thời gian bảo hành chỉ từ 3-4 ngày đến một tuần mà thôi".

Máy điện thoại cũ được mua về thông thường sẽ được sửa sang, làm đẹp lại (kể cả dán tem lại) để bán cho những khách hàng khác có nhu cầu sử dụng với giá chỉ bằng nửa giá của sản phẩm mới và tất nhiên kèm theo những lời bảo đảm chất lượng trong... vài ngày.  

"Điện thoại hỏng cũng mua"

Trong trường hợp chiếc máy đã vô phương cứu chữa, các cửa hàng sẽ đánh giá chất lượng linh kiện còn lại của sản phẩm để đưa ra giá cả hợp lý nhất có lợi... cho cửa hàng. Linh kiện còn có thể dùng sau đó sẽ được lắp vào máy hỏng của khách khác hoặc kết hợp với các bộ phận khác để dựng thành một chiếc điện thoại hoàn chỉnh, gắn mác "hàng còn mới 70%" và đem ra bày bán.

Trên thực tế, khác với các loại phụ tùng xe máy hay ôtô khi người sử dụng biết chính xác được giá cả của sản phẩm, trên thị trường không hề có thang giá cụ thể đối với từng linh kiện của những chiếc máy liên lạc cầm tay. Với loại điện thoại đắt tiền, sau khi xảy ra sự cố hỏng hóc, có những vị chủ nhân đã đem bán tống bán tháo đi mà không biết rằng trong máy còn có rất nhiều linh kiện có giá trị.

Tại cửa hàng Điệp Hà trên đường Nguyễn Chí Thanh, sau khi xem xét chiếc điện thoại "mồi" của phóng viên và đưa ra giá 80.000 đồng, bà chủ còn nói thêm: "Em xem cái Nokia 6600 còn long lanh như thế này, lúc mới mua là 3,8 triệu, thế mà chỉ hỏng mỗi cái màn hình thôi, giá mua lại còn là 500.000 đồng".

Trên một chiếc máy điện thoại thông thường, các phụ kiện thường được chú ý nhiều nhất sẽ là bảng mạch chủ (mainboard, hay gọi tắt là main), màn hình hiển thị, loa, micro và các linh kiện nhỏ khác. Trong số đó, main là bộ phận đắt nhất và cũng quan trọng nhất vì quyết định "sự sống" của chiếc máy. Chính vì lẽ đó, khi mua lại một chiếc máy cũ, người chủ cửa hàng bao giờ cũng kiểm tra bộ phận này đầu tiên để đánh giá xem có thể dựng lại thành một chiếc máy "ngon" được không.

Vì không thể sửa main hay thay thế dễ dàng được nên màn hình trở thành phụ kiện được quan tâm nhiều hơn cả đối với các máy điện thoại đã hỏng. Giá của một màn hình tùy từng loại có thể dao động từ 200.000 đến cả triệu đồng.

Nhiều chiếc máy mà chủ nhân (thường là người tiêu dùng với hiểu biết hạn chế về kỹ thuật) tưởng như không thể sử dụng được linh kiện nào nữa và chấp nhận bán đi với giá vài chục nghìn đôi khi cũng lại trở thành một món hời cho các cửa hàng. Bởi chỉ cần còn lại một trong số những chiếc loa (thường có giá từ 50.000 đồng trở lên), phần micro (50.000 đồng) hay thậm chí là các miếng đệm cao su, đai ốc là cũng đã đủ để cửa hàng hoàn lại vốn khi thay vào các máy hỏng có nhu cầu sửa chữa.

Trong mọi trường hợp, người bị thiệt nhiều hơn vẫn là khách hàng. Đó cũng là lý do giải thích tại sao ngày càng có nhiều cửa hàng điện thoại trưng biển "Mua điện thoại cũ và hỏng giá cao" trên thị trường di động.

Theo Nguyễn Hà

VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm