Đại diện VNPT: “Chúng tôi không chặn dịch vụ OTT”

(Dân trí) - Trước thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc dùng Facebook Messenger qua dịch vụ của VNPT rất khó khăn, ông Bùi Quốc Việt- Giám đốc Trung tâm thông tin & Quan hệ công chúng thuộc tập đoàn VNPT khẳng định: tập đoàn không chặn dịch vụ này.

NTĐV
Ông Bùi Quốc Việt- Giám đốc Trung tâm Thông tin & Quan hệ công chúng- VNPT
 
Ngoài ra, trả lời phỏng vấn của Dân trí, ông Bùi Quốc Việt mong muốn, các cơ quan quản lý cũng xây dựng hành lang pháp lý kịp thời để quản lý, thúc đẩy sự phát triển OTT.

- Thưa ông, ứng dụng Facebook Messenger hoạt động trên nền dịch vụ di động Vinaphone, Mobifone và internet trong một vài ngày qua khó dùng hoặc tốc độ rất chậm. Các nhà cung cấp dịch vụ thuộc VNPT có chặn dịch vụ này hay không và quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Facebook Messenger là một trong những dịch vụ OTT ngày càng được nhiều người sử dụng. Dịch vụ OTT (over the top) là dịch vụ của những tổ chức cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, cung cấp dịch vụ ICT trên nền hạ tầng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (CSP) và hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ.

OTT đã phát triển khá mạnh trong thời gian qua với lượng người dùng lên tới con số hàng triệu. Vấn đề OTT đối với các mạng di động Việt Nam cũng là vấn đề chung của các nhà mạng trên thế giới, khi mà ước tính đến năm 2016, thiệt hại do các OTT gây ra cho các nhà mạng lên đến 54 tỉ USD.

Hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, chúng tôi nhận thức rất rõ sự phát triển của công nghệ là một tất yếu, cũng giống như chúng ta đã từng trải qua các thế hệ công nghệ, từ cố định đến di động, từ dial up đến ADSL…

Vấn đề là trước xu thế phát triển của công nghệ, VNPT lựa chọn cách thức tiếp cận nào nhằm phát triển các dịch vụ tiên tiến để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Chúng tôi coi những thách thức trong việc suy giảm doanh thu do OTT chính là cơ hội để VNPT tiếp cận công nghệ mới, phát triển dịch vụ mới.

Tôi xin khẳng định: VNPT không thực hiện công việc chặn Facebook Messenger như nghi vấn của độc giả nêu.
 
Nhà mạng lớn đang chặn ứng dụng Facebook Messenger?
Tình trạng tin nhắn gửi từ Facebook trên thiết bị di động qua Wi-Fi trong những ngày qua rất khó khăn.
 
- Vậy xin ông cho biết nguyên nhân nào có thể dẫn tới việc dịch vụ này bị chậm hoặc không thể sử dụng được?

Trên thực tế, có thể vào thời điểm nào đó, ở một địa điểm nào đó, một số khách hàng có thể khó sử dụng dịch vụ Facebook Messenger hoặc một dịch vụ viễn thông khác.

Vấn đề này có thể có nhiều nguyên nhân. Quy trình cung cấp, chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan đến rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau như đường truyền/trạm thu phát sóng, mật độ sử dụng, phần mềm, thiết bị đầu cuối…

Nhiều khi, có rất nhiều lý do khách quan hoặc lý do bất khả kháng mà các nhà cung cấp dịch vụ luôn mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của khách hàng.

- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ OTT trong thời gian qua?

- Như đã đề cập, dịch vụ OTT là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ. Ngoài nhóm các dịch vụ VoIP, Messaging như Viber, Line, KakaoTalk, Zalo mà nhiều người đã biết thì còn có ba nhóm dịch vụ OTT khác, bao gồm: nhóm dịch vụ dạng Ecosystem như Apple, Amazone, Google, Microsoft; nhóm dịch vụ OTT dạng Content streaming như YouTube, Netflix, Youkou; nhóm dịch vụ OTT dạng Contexual như Facebook, Foursquare, Layar…
 
Riêng nhóm dịch vụ VoIP, Messaging đang phát triển nóng và tác động mạnh đến doanh thu các nhà mạng nên được dư luận chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng cần  quan tâm đến ba nhóm dịch vụ OTT còn lại, khi mà những tác động của nó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chiến lược phát triển của các mạng.
 
Dịch vụ OTT là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ.
Dịch vụ OTT là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ.
 
Chúng ta đều biết, nhu cầu sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động đang tăng rất nhanh và không chỉ đơn thuần là thoại và SMS -  dịch vụ đem lại doanh thu chính cho các mạng di động. VNPT sẽ hội nhập với xu hướng công nghệ toàn cầu và đang trong tiến trình nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp để phục vụ khách hàng cũng như đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp.

- VNPT có kế hoạch gì trong việc phát triển dịch vụ OTT của riêng mình hay không, thưa ông?

- Hiện tại, VNPT cũng như các nhà mạng khác có 3 lựa chọn:

Lựa chọn thứ nhất: Chặn các dịch vụ OTT, nhất là các OTT trên nền VoIP. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, từ 2013, Ả-rập Xê-út đã chặn Viber, và các nhà mạng tại Hàn Quốc được quyền chặn Kakao Talk nếu dịch vụ OTT này không đóng phụ phí.

Lựa chọn thứ hai: Hợp tác với các OTT  bằng cách hình thành các gói cước cho thuê bao sử dụng.

Lựa chọn thứ 3: Tự phát triển các OTT của riêng mình. Hiện nay, xu thế các nhà mạng xây dựng ứng dụng và cung cấp dịch vụ trên nền tảng RCS (Rich Communication Suite) đang trở nên ngày càng phổ biến.

Trong 3 lựa chọn nêu trên, VNPT đang xem xét hai lựa chọn là: hợp tác với các nhà cung cấp OTT trên thị trường hoặc sẽ tập trung nguồn lực trí tuệ để tự phát triển. Mỗi giải pháp này đều sẽ có những thế mạnh và hạn chế riêng.
 
Việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ OTT thì sẽ có lợi thế về thời gian, sản phẩm sẵn có nhưng để cả hai phía có được tiếng nói chung trong hợp tác và chia sẻ lợi ích cũng không đơn giản. Việc tự phát triển sản phẩm của riêng mình thì sẽ đảm bảo tính chủ động nhưng đòi hỏi thời gian.
 
Tuy nhiên, để VNPT cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác có thể sớm triển khai được dịch vụ OTT thì ngoài nỗ lực tự thân trong việc đầu tư nguồn lực trí tuệ, con người, rất cần có hành lang pháp lý phù hợp.
 
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Cục Viễn thông nghiên cứu tình hình phát triển công nghệ, dịch vụ mới, đặc biệt là OTT, để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ viễn thông nói chung, dịch vụ viễn thông quốc tế nói riêng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.
 
Mong rằng, cùng với nỗ lực của chính doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng xây dựng hành lang pháp lý kịp thời để quản lý, thúc đẩy sự phát triển OTT.

- Xin cảm ơn ông!

Bảo Trung thực hiện