Cơ sở pháp lý nào cho tài sản ảo?

Mặc dù thực tế ở VN cũng như trên thế giới, việc mua bán tài sản ảo diễn ra rất sôi động nhưng cho tới nay, chưa nhiều nước thừa nhận chính thức tài sản ảo là tài sản và ban hành luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản ảo.

Việc nghiên cứu để kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không những phát huy mặt tích cực của thế giới ảo nói chung, trò chơi trực tuyến nói riêng, mà còn hạn chế được những mặt tiêu cực của chúng.

 

"Đầu nậu" trong thế giới ảo

 

Với đại đa số mọi người thì bóng đá, tennis, ca hát... chỉ là những sở thích giải trí. Tuy nhiên, đối với các cầu thủ, ca sĩ... đó lại là cả sự nghiệp tạo danh tiếng trong xã hội và có thu nhập rất cao. Game online cũng vậy. Một số người chơi game coi đó là một trò chơi thông thường, nhưng với một số người khác thì đó có thể là một nghề nghiệp thực sự. Họ chơi game để kiếm các đồ ảo, sau đó bán lại cho những người khác ít có thời gian chơi hoặc chơi kém hơn. Game chính là đam mê giúp họ kiếm sống, thậm chí sống rất thoải mái.

 

Hiện nay, trong nhiều game online ở VN, những món đồ quý hiếm bắt đầu được rao bán với giá rất cao. Chẳng hạn, đã có những "đại gia" trong game MU VN mua đồ "ảo" với giá 300 viên ngọc Ước Nguyện (tương đương 9 triệu đồng).

 

T.H - một cao thủ MU VN chuyên săn đồ - kể, có khi một tuần tốn hơn 1 triệu chi phí mà không kiếm ra món gì. Bù lại, tháng cao điểm anh kiếm được hơn 30 triệu đồng. Kiếm được "khách sộp" mua ngựa (một món đồ quý trong game) có thể lãi ngay cả triệu đồng.

 

Tương tự, cư dân game "PTV - giành lại miền đất hứa" cũng xôn xao khi chiếc áo giáp cấp 80 đầu tiên xuất hiện trong game đã lập tức có người mua gọn với cái giá khiến nhiều người "chóng mặt" là 300 triệu gold, tương đương hơn 6 triệu đồng. Nền kinh tế của PTV rất sôi động, mỗi ngày có đến 10 tỉ đồng tiền vàng (gold) được trao đổi trên bốn cụm máy chủ. Với tỉ giá giữa tiền ảo và tiền thật là 1 triệu đồng vàng bằng 12.000-15.000 đồng VN, thì trị giá giao dịch mỗi ngày là 120-150 triệu đồng, tức là khoảng 4 tỉ đồng/tháng.

 

Có nên bảo hộ tài sản ảo?

 

Cũng như ngoài đời, làm ăn buôn bán trong game trước hết cần uy tín. Dân buôn hàng trong game phải là những nhân vật đặc biệt nổi tiếng và có uy tín trong cộng đồng ảo đó. Tuy chưa có vụ kiện tụng nào xung quanh những giao dịch tài sản ảo, nhưng trên thực tế đã xảy ra tình trạng một số người chơi bị "xù" tiền sau khi bán tài sản ảo. Nếu quá trình "tiền trao, cháo múc" không đồng thời diễn ra, không có sự kiểm soát thì người bán rất dễ bị mất tài sản.

 

Không làm ngơ trước vấn đề này, Hàn Quốc, Đài Loan đang đi tiên phong trong việc ban hành các văn bản pháp luật về tài sản ảo, qua đó thừa nhận chính thức tài sản ảo là tài sản, ăp cắp tài sản ảo cũng bị xử lý hình sự như đối với các tài sản khác. Mỹ chưa ban hành các quy định pháp luật thừa nhận tài sản ảo, nhưng không cấm mua bán công khai các tài sản này. Tuy nhiên, có nghiên cứu nghiêm túc cho rằng nếu Mỹ không nhanh chóng ban hành những quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản ảo thì sẽ tụt hậu so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... trong việc phát triển ngành kinh tế ảo - một ngành kinh tế có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Thế giới ảo không chỉ dừng lại ở trò chơi trực tuyến, mà nó còn có thể có ích trong các lĩnh vực khác như thương mại, y tế, giáo dục...

 

Ở VN, để các hoạt động mua bán tài sản ảo diễn ra đúng hướng, pháp luật cần có các quy định cụ thể để xác định quyền, nghĩa vụ của các bên và trong tương lai có thể thu thuế từ các hoạt động này. Thiết nghĩ, đối với một đối tượng mới mà các giao dịch liên quan đến nó không trái pháp luật, đạo đức thì không có lý do gì để chúng ta không điều chỉnh cũng như công nhận nó.

 

Theo Thế Danh

Lao động