Chủ tịch Hà Nội: Thủ đô hướng đến mô hình thành phố thông minh bền vững

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.

Chủ tịch Hà Nội: Thủ đô hướng đến mô hình thành phố thông minh bền vững - 1

Hà Nội đang cho thấy vai trò dẫn dắt, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; trong việc đi vào các công nghệ lõi về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Sáng nay (29/11) tại Hà Nội, Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á đã diễn ra với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước.

Với chủ đề "Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững", Hội nghị tập trung vào các chuyên đề nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, cũng như giải quyết các bài toán còn tồn đọng.

TP Hà Nội hướng đến môi trường sống chất lượng cho người dân

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh rằng một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện qua những sự lựa chọn thông minh, giải pháp thông minh, công nghệ thông minh.

Điều này được quyết định bởi chuyển đổi số, khi đây là khâu đột phá hiệu quả, bền vững và thông minh nhất để một thành phố hướng tới.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.

Cùng với đó là xây dựng chính quyền phục vụ sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp với nền kinh tế năng động, kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Chủ tịch Hà Nội: Thủ đô hướng đến mô hình thành phố thông minh bền vững - 2

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chia sẻ mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới tại Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Ông cũng nhấn mạnh việc khai thác dữ liệu số, xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng với mọi cấp chính quyền, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Điều này sẽ góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng, toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn và hạnh phúc.

Theo ông Thanh, TP Hà Nội hiện có nhiều lợi thế quan trọng để phát triển mô hình thành phố thông minh. Tuy nhiên song hành với đó, cũng cần giải quyết nhiều bài toán.

Trong đó, việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân... được xem là vấn đề cốt lõi.

Mới đây vào ngày 28/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã bấm nút khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng Thủ đô.

Tại đó, thẻ vé điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông công cộng.

Cần có thêm cơ chế đặc thù để thu hút tài năng

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng TP Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chủ tịch Hà Nội: Thủ đô hướng đến mô hình thành phố thông minh bền vững - 3

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội trong việc xây dựng thủ đô hiện đại, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo ông, phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, do vậy cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ.

Cùng với đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm: giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị.

"Mỗi địa phương, mỗi đô thị có quy mô, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội khác nhau. Bài toán, vấn đề cần giải quyết khác nhau. Lĩnh vực thế mạnh cần ưu tiên thúc đẩy cũng khác nhau", Thứ trưởng cho biết.

Chủ tịch Hà Nội: Thủ đô hướng đến mô hình thành phố thông minh bền vững - 4

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, cho rằng Hà Nội cần có thêm cơ chế đặc thù, vượt trội, nhằm thu hút nhân tài (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, thì nhấn mạnh vào chủ đề quản lý dữ liệu. Theo ông, điều quan trọng là làm sao để dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống".

Từ đó, góp phần phục vụ hiệu quả nhất, giải phóng cho công chức, viên chức khỏi những công việc buồn chán để hiệu quả cao nhất, chính xác nhất, nhanh nhất.

Ông Bình cũng cho rằng TP Hà Nội sẽ có vai trò dẫn dắt, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; trong việc đi vào các công nghệ lõi về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.

Tuy nhiên, người đứng đầu VINASA cho rằng Hà Nội cần có thêm cơ chế đặc thù, vượt trội, nhằm thu hút tài năng Việt Nam cũng như thế giới và cộng đồng Việt kiều để cùng nhau gánh vác sứ mệnh đó.