Camera 4 "mê" tốt nhất tháng 7
4 vị trí đứng đầu vẫn không có gì thay đổi so với danh sách các máy ảnh 4 Megapixel tốt nhất do tạp chí CNet bình chọn trong tháng 6. Kodak và Canon mỗi hãng có hai sản phẩm trong danh sách, còn lại là các máy của Fujifilm, Sony và Konica Minolta.
1. Olympus C-770 Ultra Zoom (480 USD)
Bạn sẽ rất yêu thích chế độ lấy nét và điều chỉnh độ phơi sáng bằng tay, độ zoom quang lớn, chế độ Super Macro (siêu cận cảnh) của C-770UZ. Tuy nhiên, máy cũng có các chế độ tự động dành cho người mới bắt đầu.
2. Canon PowerShot S410 (300 USD)
PowerShot S410 có rất ít chế độ chỉnh tay nhưng hoạt động rất ổn định và có chất lượng ảnh tốt. Thân máy chắc chắn, nhỏ gọn, độ trễ màn trập cực nhỏ.
Nhược điểm của máy là khe ngắm điện tử nhỏ, hệ thống lấy nét làm việc chậm trong điều kiện ánh sáng yếu, không có chế độ quay video 640x480 pixel, chỉ quay được video 320x240 pixel.
3. Olympus C-765 Ultra Zoom (399 USD)
Là phiên bản giá rẻ của C-770UZ, C-765UZ nổi bật với các chế độ chỉnh tay toàn diện, ống kính có độ zoom quang lên tới 10x, khả năng chụp cận cảnh ấn tượng, thờii gian sử dụng pin lâu và chất lượng ảnh tốt.
Yếu điểm của C-765 là không lưu trữ được định dạng thô, lấy nét tự động chậm trong điều kiện ánh sáng có độ tương phản mạnh, không có khe cắm đèn flash và microphone ngoài. Chất lượng video của máy cũng chỉ đạt mức trung bình.
4. Kodak EasyShare LS743 (470 USD)
Được thiết kế dành cho dân "ngắm và chụp", EasyShare LS743 nổi bật với kiểu dáng gọn gàng, tốc độ đáp ứng nhanh, khả năng chụp liên tiếp ấn tượng, thời gian dùng pin lâu.
Phiên bản này không có chế độ lấy nét và phơi sáng chỉnh tay, không lưu trữ được định dạng ảnh thô, không có vòng điều chỉnh diop dành cho khe ngắm, không kèm theo thẻ nhớ.
5. Fujifilm FinePix S5100 (350 USD)
Là một máy ảnh megazoom (có độ zoom lớn) tầm trung dành cho đối tượng nhiếp ảnh chuyên nghiệp, S5100 có kích thước khá nhỏ gọn so với các máy ảnh số có độ zoom lớn hiện có mặt trên thị trường. Những điểm đáng chú ý ở phiên bản này là độ zoom quang lên tới 10x, nhiều tính năng cao cấp, thời gian đáp ứng nhanh, khả năng lưu trữ và xử lý ảnh thô tốt hơn nhiều máy ảnh bán chuyên khác, có thể sử dụng như webcam.
Điểm yếu của S5100 là chế độ chụp bù trừ độ phơi sáng khó kích hoạt, các tùy chọn xử lý ảnh thô nằm sâu trong menu nên khó nhận thấy và mất nhiều thời gian để truy cập, không có nhiều mức nén ảnh JPEG, khe ngắm điện tử thường hiển thị hình ảnh mờ và có hạt.
6. Kodak EasyShare CX7430 (290 USD)
Là một máy ảnh dành cho đối tượng mới biết chụp ảnh, CX7430 có giá cả phải chăng, dễ sử dụng và được thiết kế khoa học. Điểm nổi bật của máy là hoạt động ổn định, chất lượng ảnh chấp nhận được, thời gian đáp ứng nhanh, góc nhìn vừa phải.
Không có chế độ phơi sáng và lấy nét chỉnh tay là nhược điểm đáng chú ý nhất của CX7430. Máy cũng không lưu trữ được định dạng ảnh nào khác ngoài JPEG. Khi mua phiên bản này, bạn cũng phải bỏ tiền ra mua pin và thẻ nhớ vì chúng không được cung cấp theo máy. CX7430 cũng chỉ tương thích với máy in EasyShare của Kodak.
7. Konica Minolta Dimage Z2 (6,7 triệu đồng)
Cũng là một máy ảnh megazoom nhưng Dimage Z2 cũng có khả năng quay video rất ấn tượng và có đầy đủ các cổng video và âm thanh. Khe ngắm có chất lượng tốt, chất lượng ảnh tuyệt vời và giá cả tương đối rẻ so với nhiều phiên bản cùng tính năng đã biến Z2 thành máy ảnh được nhiều người mơ ước.
Đèn flash là điểm yếu lớn nhất của máy. Ảnh chụp với đèn flash thường có không đủ độ phơi sáng. Nhiễu xuất hiện nhiều ở ISO 400 trở lên. Máy cũng không lưu trữ được định dạng thô.
8. Canon PowerShot SD300 (450 USD)
Rất đáng tin cậy đối với những người sử dụng nghiệp dư, SD300 có kiểu dáng nhỏ gọn hoàn hảo, ống kính được ứng dụng công nghệ chế tạo tiên tiến. Máy có chất lượng ảnh tốt, độ trễ màn trập rất nhỏ, nhiều chế độ quay phim linh hoạt, khả năng chụp liên tiếp ấn tượng và thời gian sử dụng pin lâu.
Tuy nhiên, SD300 có quá ít chế độ chỉnh tay và chế độ cảnh chụp tối ưu sẵn, khe ngắm cho thường cho hình ảnh không chính xác và không có nút điều chỉnh diop.
9. Sony Cyber Shot DSC-S90 (300 USD)
Được bán với giá tương đối phải chăng, DSC-S90 là máy ảnh dành cho những cảnh chụp đêm. Máy có màn hình rộng, ống kính cao cấp, kiểu dáng khoa học. Điểm nổi bật về tính năng là tốc độ đáp ứng nhanh, khả năng tái hiện màu sắc sống động, trung thực kể cả ở tình huống chụp đêm. Thời gian sử dụng pin lâu cũng là một thế mạnh của máy.
Điểm yếu của DSC-S90 cũng là không có nhiều chế độ chỉnh tay, ảnh có xu hướng "nhạt" ở những cảnh có gam màu "nóng". Thời gian sạc lại pin cũng khá lâu.
10. Canon PowerShot A520 (280 USD)
Nổi bật hẳn so với các máy ảnh 4 "mê" khác nhờ các chế độ chỉnh tay và tự động toàn diện cùng khả năng chụp dưới nước, A520 cũng là một trong những máy ảnh có chất lượng ảnh rất tốt. Máy có khả năng tiếp nhận các ống kính chuyển đổi góc rộng. A520 cũng là một trong những máy ảnh đèn flash kết nối với zoom (mà theo lý thuyết thì sẽ cho phép đèn có ảnh hưởng rộng hơn ở chế độ tele). Ngoài ra, người sử dụng chắc chắn sẽ bị chế độ chụp liên tiếp siêu nhanh của máy chinh phục.
Theo Số hóa