Cảm nhận đầu tiên về ultrabook dùng chip Ivy Bridge của Intel

(Dân trí) - Cuối cùng Intel cũng đã ra mắt thế hệ vi xử lý Ivy Bridge mạnh mẽ nhất dành cho phân khúc máy tính siêu mỏng ultrabook. Bên cạnh đó, Intel cũng đưa ra những yêu cầu gắt gao hơn mà sản phẩm cần phải đáp ứng nếu muốn đứng trong “hàng ngũ” ultrabook.

Intel đã trình làng vi xử lý Core i thế hệ thứ 3 (tên mã Ivy Bridge) của mình vào cuối tháng 4 năm nay, tuy nhiên chỉ có phiên bản dành cho desktop và laptop cao cấp, máy tính “tất cả trong 1”.

Cho đến tận hôm nay, sau một thời gian chờ đợi, Ivy Bridge dành cho phân khúc laptop siêu mỏng ultrabook mới chính thức đượ Intel trình làng. Đây là thế hệ vi xử lý Intel tiết kiệm điện năng nhất, là mục tiêu mà cả Intel lẫn các hãng sản xuất ultrabook đang trông đợi để kéo dài thời lượng sử dụng của ultrabook.

Cảm nhận đầu tiên về ultrabook dùng chip Ivy Bridge của Intel
Ultrabook sử dụng Ivy Bridge đã thực sự tạo nên sự khác biệt so với thế hệ trước đây

Bên cạnh đó, Intel cũng đã ra mắt vi xử lý đồ họa HD 4000 để thay thế cho xi xử lý đồ HD 3000 đang được sử dụng khá phổ biến hiện tại. Với HD 4000, Intel tuyên bố người dùng có thể chơi được những game có cấu hình mạnh nhất mà không cần phải trang bị thêm các card đồ họa gắn ngoài của Nvidia hay AMD như trước đây.

Trước đó, một vài mẫu ultrabook sử dụng thế hệ vi xử lý Ivy Bridge đã được các hãng sản xuất giới thiệu, tuy nhiên những vi xử lý sử dụng trên những chiếc ultrabook này không được công bố cấu hình cũng như tên gọi cụ thể, cho đến hôm nay, Intel mới chính thức tung ra phiên bản Ivy Bridge dành cho ultrabook.

Cảm nhận đầu tiên về ultrabook dùng chip Ivy Bridge của Intel
Ultrabook mẫu trang bị vi xử lý Ivy Bridge của Intel

Để thể hiện sức mạnh của Ivy Bridge và vi xử lý đồ họa HD 4000, Intel cũng đã cho ra mắt chiếc ultrabook mẫu được trang bị thế hệ vi xử lý mới nhất của mình, với CPU lõi kép Core i5-3427U tốc độ 1,8GHz Ivy Bridge, tích hợp vi xử lý đồ họa HD 4000.

Xử lý và đồ họa

Intel đã cho chiếc ultrabook thế hệ mới của mình chạy thử trò chơi Street Fighter IV, một trong những game đòi hỏi cấu hình cao hiện nay, ở độ phân giải 1600x900, tốc độ 21,4 khung hình/giây. Trong khi đó, với ultrabook sử dụng vi xử lý Core i5 thế hệ thứ 2 (Sandy Bridge), tích hợp vi xử lý đồ họa HD 3000, chỉ có thể chạy game ở tốc độ hình ảnh 13 khung hình/giây.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm trên các game mới hơn như Skyrim hay Diablo III (đều đòi hỏi cấu hình “khủng”), ultrabook sử dụng Ivy Bridge Core i5 với vi xử lý đồ họa HD 4000 chỉ dừng ở mức chấp nhận được, với đồ họa thiết lập ở mức thấp nhất. Điều này không thực sự tạo được ấn tượng, đặc biệt với những game thủ chuyên nghiệp.

Thời lượng pin

Về mặt thời lượng pin, vốn vi xử lý thế hệ thứ 2 của Intel (Sandy Bridge) đã thể hiện khả năng vượt trội trong việc tiết kiệm điện năng, nên sẽ không dễ dàng gì để Ivy Bridge có thể vượt qua được.

Trong quá trình thử nghiệm, chiếc ultrabook mẫu sử dụng Ivy Bridge Core i5 của Intel có màn hình rộng 13-inch, có thời lượng sử dụng 5 giờ 6 phút trong thử nghiệm phát video liên tục. Đây được xem là một kết quả tuyệt vời cho một may tính xách tay màn hình 13-inch.

Cảm nhận đầu tiên về ultrabook dùng chip Ivy Bridge của Intel
Cổng kết nối USB 3.0 trở thành tiêu chuẩn trên Ultrabook thế hệ mới

Trong khi đó, với ultrabook sử dụng vi xử lý Ivy Bridge Core i7 (cũng với màn hình 13-inch), thì thời gian sử dụng ngắn hơn 1 giờ so với vi xử lý Core i5, trong cùng bài kiểm tra tương tự. Đây cũng là một kết quả được đánh giá là tốt.

Đáng chú ý, Intel đã phân chia vi xử lý thế hệ thứ 3 của mình ra thành nhiều phân khúc khác nhau, với vi xử lý được đi kèm ký tự “U” tượng trưng cho thế hệ vi xử lý sử dụng điện áp thấp, trong khi đó vi xử lý đi kèm ký tự “M” tượng trưng cho vi xử lý sử dụng điện áp tiêu chuẩn.

Những yêu cầu mới của ultrabook

Ultrabook là khái niệm mà Intel đưa ra và đã đăng ký thương hiệu, là phân khúc máy tính xách tay đòi hỏi một tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thiết kế và cấu hình, bao gồm thiết kế siêu mỏng và sử dụng vi xử lý tiết kiệm điện năng thế hệ mới nhất của Intel. Ultrabook được Intel đưa ra nhằm cạnh tranh với chiếc laptop siêu mỏng MacBook Air của Apple.

Ngày nay thị trường ultrabook đã trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà sản xuất và nhiều sản phẩm thuộc phân khúc laptop siêu mỏng này, tuy nhiên, hầu hết các loại ultrabook hiện nay vẫn đang sử dụng vi xử lý thế hệ Sandy Bridge của Intel.

Cảm nhận đầu tiên về ultrabook dùng chip Ivy Bridge của Intel
Intel đòi hỏi gắt gao hơn với những sản phẩm thuộc phân khúc ultrabook

Cùng với việc ra mắt vi xử lý thế hệ mới, Intel tiếp tục đặt ra những tiêu chí mới gắt gao hơn để các hãng sản xuất phải tuân theo nếu muốn đưa sản phẩm của mình vào phân khúc máy tính siêu mỏng ultrabook. Những tiêu chí mới bao gồm:

- Với sản phẩm màn hình dưới 14-inch thì không được dày quá 18mm.
- Với sản phẩm màn hình trên 14-inch thì không được dày quá 21mm.
- Tốc độ khởi động từ lúc nhấn nút cho đến khi hoàn tất chỉ trong vòng 7 giây.
- Thời lượng pin phải tối thiểu 5 tiếng sử dụng liên tục cho mọi mục đích.
- Tốc độ phản hồi “siêu nhạy”, cho phép người dùng kích hoạt và sử dụng các phần mềm nhanh chóng.
- Phải được tích hợp thêm cổng kết nối USB 3.0 hoặc Thunderbolt.
- Phải trang bị thêm công nghệ bảo mật và chống trộng “Idetity Protection and Anti-Theft” của Intel.
- Có thể được trang bị thêm màn hình cảm ứng, GPS, cảm biến ánh sáng… (tùy chọn)

Những tiêu chí mới cho thấy Intel đang rất gắt gao trong việc tạo nên một “đội quân” ultrabook trên thị trường, với những công nghệ và tính năng mới nhất.

Trong tương lai gần, dự kiến thị trường sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những phiên bản ultrabook mạnh mẽ hơn, đồng thời, người dùng hy vọng loạt ultrabook sử dụng thế hệ vi xử lý cũ (Sandy Bridge) sẽ được giảm giá thành, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận hơn với phân khúc laptop đang rất “hot” này.

Loạt ultrabook đầu tiên sử dụng thế hệ Ivy Bridge sẽ “rầm rộ đổ bộ” tại Triển lãm Công nghệ Computex diễn ra tại Đài Loan vào ngày 5 đến ngày 9/6 tới đây.

T.Thủy