Apple có thể gặp rắc rối vì ứng dụng theo dõi sức khỏe HealthKit
(Dân trí) - Ứng dụng theo dõi sức khỏe HealthKit mà Apple mới trang bị trên iOS 8 là một trong những tính năng được trông đợi từ lâu, tuy nhiên, HealthKit đã nhanh chóng mang đến rắc rối cho “quả táo” vì tên gọi này đã được đăng ký bản quyền bởi một công ty khác.
HealthKit là một trong những tính năng mới và được trông đợi từ lâu mà Apple trang bị cho nền tảng di động iOS 8 của hãng, tuy nhiên tên gọi này đã được một công ty khởi nghiệp tại Úc đăng ký từ trước đó.
Công ty HealthKit có trụ sở tại Úc hiện đang sở hữu trang web Healthkit.com và trang Twitter HealthKit, hiện đang xây dựng một nền tảng sức khỏe trên toàn cầu giúp kết nối giữa các bác sĩ và bệnh nhân. Ứng dụng HealthKit trên iOS 8 của Apple cũng có tính năng tương tự như những gì mà công ty HealthKit của Úc đang xây dựng.
HealthKit là ứng dụng được trông đợi từ lâu của Apple nhưng có thể sẽ mang lại rắc rối cho công ty này
Mặc dù có trụ sở tại Úc tuy nhiên HealthKit hiện có người dùng tại nhiều quốc gia nói tiếng Anh khác nhau, trong đó có Mỹ.
Ngay sau khi Apple giới thiệu nền tảng iOS 8 với ứng dụng HealthKit, công ty HealthKit đã bày tỏ sự không hài lòng với lựa chọn tên gọi của Apple.
“Cảm thấy bực mình vì Apple sử dụng tên gọi HealthKit của chúng tôi cho sản phẩm sức khỏe mới của họ. Tim Cook, ông không nhận thấy điều này sao?”, HealthKit đăng tải lên trang Twitter chính thức của mình ngay sau khi Apple mở màn Hội nghị WWDC và giới thiệu nền tảng iOS 8.
Được biết công ty HealthKit đã mua tên miền Healthkit.com từ đầu năm 2012 và công ty khẳng định tên gọi HealthKit có ý nghĩa rất quan trọng đối với họ. Phía Apple đã không hề liên hệ với HealthKit trước khi ra mắt ứng dụng trùng tên của mình.
“Tôi cảm thấy khá thất vọng vì họ có thể chỉ mất 5 giây trên Internet để dễ dàng tìm thấy trang web HealthKit.com của chúng tôi và đã biết đến sự tồn tại của tên gọi này”, Alison Hardacre, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của HealthKit cho biết.
Hardacre cho biết kể từ khi Apple giới thiệu ứng dụng HealthKit, trang web của họ đã có lượng truy cập tăng vọt. Thậm chí bà còn nhận được những email và câu hỏi rằng họ đã bán công ty cho Apple hay đã có thỏa thuận hợp tác với Apple hay không? Alison Hardacre cho rằng điều này sẽ gây nên những khó khăn trong quá trình hoạt động của công ty mình.
Hiện chưa rõ HealthKit có dự định tiến hành khởi kiện Apple hay không. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên Apple gặp rắc rối với tên gọi các sản phẩm của mình và có vẻ như “quả táo” vẫn chưa rút ra bài học.
Trước đó vào năm 2012, Proview, một công ty tại Trung Quốc đã khẳng định sở hữu tên gọi iPad tại quốc gia này và tiến hành khởi kiện Apple vi phạm bản quyền thương hiệu. Apple sau đó đã phải trả đến 60 triệu USD cho Proview để mua lại bản quyền tên gọi iPad và tiếp tục bán sản phẩm này tại Trung Quốc.
Vào năm 2013, Apple cũng đã bị “đánh cắp” thương hiệu iPhone tại Brazil, khi một công ty điện tử ở nước này đã đăng ký tên gọi iPhone từ năm 2000, 7 năm trước khi phiên bản iPhone đầu tiên ra đời.
Ngoài Apple, nhiều “gã khổng lồ công nghệ” khác cũng từng gặp rắc rối về tên gọi sản phẩm của mình và buộc phải đổi tên. Gần đây nhất là trường hợp của Microsoft khi tên gọi giao diện Metro trên Windows 8 và dịch vụ lưu trữ đám mây SkyDrive bị kiện và buộc Microsoft không được phép tiếp tục sử dụng 2 tên gọi này.
T.Thủy