3G đã qua thời vàng son?
(Dân trí) - Tại Việt Nam 3G đã dần trở thành công nghệ bình dân. Với sự thúc đẩy của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện 5 doanh nghiệp viễn thông đang tiến hành thử nghiệm 4G. Dự báo trong 1-2 năm tới, công nghệ này sẽ lại làm mưa gió trên thị trường.
Nhờ 3G, điện thoại di động ngoài tính năng hội thoại và gửi tin nhắn, còn có thể giúp người dùng kết nối mạng internet, chụp hình, quay phim...dễ dàng. 3G là tiêu chuẩn truyền thông di động băng thông rộng thế hệ thứ 3 theo khung định IMT-2000 của ITU (Liên minh Viễn thông Thế giới). Các công nghệ 3G đều hỗ trợ truyền dữ liệu vô tuyến di động băng thông rộng, và đây là điều khác biệt chính giữa 3G và thế hệ trước 2G.
Nhìn lại, tại Việt Nam, cộng nghệ 3G được triển khai từ 10/2009, bởi VinaPhone. Cũng kể từ khi có sự xuất hiện của công nghệ này, thị trường viễn thông Việt Nam đã bước sang một trang lịch sử mới, xóa dần khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp đang kinh doanh 3G. Ðến nay, với 30.334 trạm thu phát, sóng 3G đã phủ sóng rộng trên toàn quốc đáp ứng khả năng truy cập Internet của người dân. Tỷ lệ phủ sóng theo dân số từ 54,71% đến 93,68%, tổng số thuê bao 3G đạt hơn 8 triệu, tốc độ truy nhập đạt đến 7,2 Mb/s và tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt hơn 98%.
Đi theo sự phát triển của công nghệ mới, điện thoại di động có tích hợp chức năng 3G cũng là nhóm thiết bị phong phú nhất trên thị trường hiện nay và đồng thời cũng tạo ra những cuộc chạy đua không mệt mỏi giữa các hãng chế tạo điện thoại quy tụ những “ông trùm” như: Apple, Nokia, Blackberry, Samsung, LG…
Sau khi tham gia thị trường điện thoại di động mang tính chất thăm dò, cuối năm 2010, FPT cũng đã giới thiệu chiếc điện thoại 3G hai thẻ SIM đa chức năng đầu tiên. Không bỏ lỡ cơ hôi, Q-Mobile cũng tung ra dòng điện thoại di động thế hệ mới của mình.
Hưởng lợi từ những cuộc đua này, ngày nay khách hàng bình dân tại Việt Nam cũng có thể sở hữu những chiếc điện thoại giá rẻ nhưng vẫn tích hợp những tính năng mới nhất. Từ đó, dần xóa quan niệm chỉ có người giàu mới có cơ hội tiếp cận với thế giới công nghệ thông tin hiện đại.
Tại Việt Nam, với sự mở đường của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 5 doanh nghiệp được cấp giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G gồm: VNPT, CMC,Viettel, FPT và VTC. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp này sẽ tiến hành thời gian thử nghiệm cộng nghệ mới nhất trong 1 -2 năm, đồng thời khảo sát nhu cầu của người sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mới đây nhất, phần thuyết trình về "hậu 4G" của Motorola đã đề cập về một thế hệ mạng có ănten và trạm phát sóng "hợp tác với nhau", "phân chia công việc cho nhau", nhằm tạo ra tốc độ cao hơn nữa. Đó có thể là một chiếc điện thoại sẽ có thể kết nối cùng lúc với 2 trạm phát sóng, truyền dữ liệu thông qua cả 2 trạm này, hoặc nó có thể vừa kết nối với trạm phát sóng, vừa "bắt tín hiệu" với một thiết bị khác...
Và đến thời điểm này, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố : Quốc gia này có kế hoạch không chỉ phát triển mạng di động 4G mà còn hướng tới công nghệ 5G, nhằm đạt mục tiêu dẫn đầu cuộc đua giành thị trường viễn thông toàn cầu năm 2012. Theo kế hoạch này, Hàn Quốc sẽ đầu tư 60 tỉ won (58,5 triệu USD) trong 3 năm tới, để phát triển công nghệ 4G và bắt đầu với 5G.
5G sẽ thế nào, đường đến mất bao lâu? Không một chi tiết cụ thể nào được đưa ra. Những “tín đồ” công nghệ đang rất tò mò chờ đợi sự xuất hiện chính thức của 5G tại Việt Nam
P. Thanh