3D, “liều thuốc” hồi sinh TV Plasma
(Dân trí) - Ngày càng nhiều người chọn mua TV 3D Plasma thay vì LCD, một dấu hiệu dự báo sự hồi sinh của thế hệ TV màn hình phẳng đã bị “khai tử” cách đây 2 năm.
3D là chất xúc tác giúp công nghệ Plasma "hồi sinh".
Kể từ đó, TV LCD với công nghệ chiếu sáng LED-backlit bắt đầu trỗi dậy và dần thay thế công nghệ LCD cơ bản, trở thành phân khúc TV bán chạy nhất thị trường. Và, thế hệ TV này cũng tỏ ra vượt trội công nghệ Plasma về chất lượng hình ảnh.
Dường như mọi dự báo về sự bão hòa ở các nền kinh tế Phương Tây và những lo ngại về nền kinh tế suy thoái đã không xảy ra với thị trường TV màn hình phẳng. Thị trường các thế hệ TV màn hình phẳng đã tăng trưởng 15% trong năm ngoái, đạt doanh số 77,6 triệu chiếc, trong đó, sản lượng tấm nền TV Plasma tăng vọt 14,8%, lên 19,1 triệu trong 12 tháng của năm 2010.
Mặc dù các màn hình LCD (bao gồm cả LED) vẫn thường bán chạy hơn Plasma nhưng sự so sánh này có phần khập khiễng bởi TV Plasma chỉ có các dòng từ kích thước 42 inch trở lên. Do đó, những người có nhu cầu sắm TV cỡ bé sẽ thiên về lựa chọn LCD. Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê của GfK, doanh số TV 3D tại Anh đã thể hiện được “thế thượng phong” của Plasma. Từ tháng 10 đến tháng 12/2010 đã có khoảng 46.553 TV 3D Plasma được tiêu thụ, trong khi đó, doanh số TV 3D LCD chỉ có 40.954 chiếc.
Nguyên do dẫn dắt công nghệ Plasma “vùng lên” vẫn chưa rõ ràng nhưng có vẻ như người dùng đã cân nhắc về giá cả và khả năng trình diễn 3D. Công nghệ chiếu sáng LED-backlit vẫn còn rất đắt đỏ, chính nhờ vậy mà Plasma với giá thành phải chăng hơn đã thu hút được giới tiêu dùng.
Cũng chính vì lý do chi phí sản xuất TV Plasma rẻ hơn so với công nghệ LED nên nhà sản xuất Samsung cũng đã lựa chọn công nghệ này để chế tạo cho các dòng TV 3D của năm 2011.
Plasma và 3D
“Mặc dù 3D không giữ vai trò then chốt nhất trong việc “hồi sinh” của Plasma nhưng chính nó đã làm chất xúc tác giúp TV Plasma cạnh tranh với TV LCD”, Ken Park, nhà phân tích cao cấp DisplaySearch chuyên nghiên cứu về thị trường TV Hàn Quốc, nhận xét. “Với khả năng hiển thị hình ảnh 3 chiều, Plasma sẽ tái sinh để trở thành công nghệ tối ưu cho ngành công nghiệp TV. Thực tế, nhiều nhà sản xuất TV Plasma sẽ trình diễn các dòng sản phẩm 3D của mình trong năm nay, với kích thước từ 42 inch HD-152 inch”.
3 ông lớn Plasma, gồm Panasonic, Samsung và LG, cho biết trong năm 2010 cũng đã tăng sản lượng của mình lên mức 22%, 37% và 30% tương ứng.
Tuy nhiên, nguyên do không hoàn toàn bởi sức nóng của 3D, sự hồi sinh của Plasma còn do nhu cầu của người dùng đã bắt đầu dịch chuyển. Các dòng TV cỡ lớn từ 50 inch trở lên vốn là lợi thế của Plasma, với giá thành rẻ hơn rất nhiều đang bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm.
Một điều cũng không kém phần quan trọng chính là sự thành công của các sản phẩm thương mại. Các dòng TV Plasma ra mắt năm 2010 của Panasonic đã đạt doanh số ấn tượng.
“Plasma chưa bao giờ biến mất nhưng 3D chính là đòn bẩy giúp công nghệ này vượt qua khó khăn. Plasma vượt trội về chất lượng hình ảnh và chi phí phải chăng ở những dòng TV cỡ lớn”, Fabrice Estornel,Giám đốc sản phẩm Panasonic TV Group Visual ở Anh ,nói.
Lợi thế của Plasma
Theo ông Fabrice Estornel, Plasma vượt trội ở thời gian phản hồi nhanh, hình ảnh chân thực, màu sắc sống động và gam màu đen thể hiện rất tốt. Công nghệ này đặc biệt thích hợp với những không gian giải trí gia đình.
“Với những người muốn tận hưởng rạp chiếu phim gia đình thì nên mua TV Plasma”, Estornel đưa ra lời khuyên.
Ông này cũng cho hay Plasma trước đây nổi tiếng là ngốn quá nhiều điện năng so với LCD. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ này đã được giảm mức tiêu hao xuống còn 50% so với trước.
Và, Plasma đang được hưởng những thế mạnh của công nghệ 3D. Có vẻ như công nghệ màn hình phẳng sau 1 thời gian “vắng bóng” đã trở lại để thách thức thị trường TV siêu mỏng.
Khôi Linh