3 tin tặc đứng sau vụ tấn công lịch sử nhằm vào Twitter bị sa lưới
(Dân trí) - Các nhà chức trách đã bắt giữ 3 tin tặc đứng sau vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào Twitter hồi giữa tháng trước, chiếm đoạt hàng loạt tài khoản của người nổi tiếng để đăng tải thông tin lừa đảo.
3 tin tặc bị bắt giữ bao gồm Mason Sheppard, thanh niên 19 tuổi sống tại Anh, được biết đến trên mạng với biệt danh “Chaewon”; Nima Fazeli, 22 tuổi, sống tại thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ), được biết đến với biệt danh “Rolex” và Graham Ivan Clark, 17 tuổi, sống tại thành phố Tampa (bang Florida, Mỹ).
Theo các nhà điều tra, dù trẻ tuổi nhất, Graham Ivan Clark lại chính là chủ mưu trong vụ tấn công mạng nhằm vào Twitter, còn Shappard và Fazeli đóng vai trò phụ tá và rao bán quyền truy cập vào các tài khoản Twitter.
Andrew Warren, công tố viên bang Florida, cho biết hiện cơ quan chức năng đang xem xét khả năng truy tố Clark vì luật pháp tại bang Florida cho phép linh hoạt hơn luật liên bang để buộc tội trẻ vị thành niên trong những vụ việc như thế này.
“Có một niềm tin sai lầm trong cộng đồng hacker rằng các cuộc tấn công mạng như hack vào Twitter có thể sẽ được thực hiện trót lọt mà không bị lần ra”,
Có một niềm tin sai lầm trong cộng đồng hacker hình sự rằng các cuộc tấn công như hack Twitter có thể được thực hiện ẩn danh và không có hậu quả”, công tố viên David Anderson cho biết. “Vụ bắt giữ ngày hôm nay là minh chứng cho thấy rằng việc việc hack vào một môi trường an toàn để kiếm lợi hoặc vì mục đích nào khác đều sẽ sớm bị phát hiện”.
Trong một thông báo được đưa ra sau khi các tin tặc bị bắt giữ, Twitter cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao hành động nhanh chóng của cơ quan thực thi pháp luật trong cuộc điều tra này và sẽ tiếp tục hợp tác với họ khi vụ việc tiếp diễn”.
Các nhà điều tra cho rằng mục đích của vụ tấn công mạng nhằm vào Twitter chỉ để lừa đảo tiền bitcoin và rao bán quyền truy cập vào các tài khoản Twitter chứ không nhằm mục đích chính trị hoặc gián điệp có yếu tố nước ngoài nào.
Các tin tặc đã tấn công vào Twitter như thế nào?
Khai nhận với các nhà điều tra, Clark cho biết mình không hề có quyền truy cập vào hệ thống của Twitter, tuy nhiên, tên này đã tiếp cận với một nhân viên của Twitter qua điện thoại và nói dối rằng mình là đồng nghiệp hiện đang làm trong bộ phận công nghệ thông của công ty và yêu cầu nhân viên này cung cấp thông tin đăng nhập để truy cập vào cổng dịch vụ khách hàng.
Clark sau đó đã truy cập vào tài khoản Twitter của hàng loạt nhân vật nổi tiếng như cựu tổng thống Barack Obama, ứng viên đảng dân chủ trong cuộc đua tổng thống Mỹ Joe Biden, tỷ phú Bill Gates, ông chủ Amazon Jeff Bezos hay tỷ phú công nghệ Elon Musk… rồi đăng tải thông điệp lừa đảo, yêu cầu mọi người gửi tiền ảo bitcoin đến một ví điện tử để nhận được số tiền nhiều gấp đôi.
Bằng hình thức lừa đảo này, đã có 415 giao dịch chuyển tiền ảo cho Clark, giúp tên này thu được số tiền đến 117.457 USD.
Trong khi Clark đóng vai trò chủ mưu để chiếm quyền truy cập tài khoản Twitter, Mason Sheppard và Nima Fazeli đóng vai trò phụ tá, khi rao bán quyền truy cập vào các tài khoản Twitter và quảng cáo về dịch vụ hack tài khoản Twitter theo nhu cầu.
Các nhà điều tra cho biết danh tính của Mason Sheppard và Nima Fazeli đã bị lộ khi khi hai tên này sử dụng giấy phép lái xe của mình để xác nhận cho các giao dịch tiền ảo và tài khoản tiền ảo của cả hai bị phát hiện gửi và nhận một số tiền lớn do lừa đảo.
Hiện Fazeli phải đối mặt với án tù lên đến 5 năm và số tiền phạt 250.000 USD, còn Sheppard bị buộc tội xâm nhập máy tính trái phép, âm mưu lừa đảo và âm mưu rửa tiền, với án phạt có thể lên đến 20 năm tù và số tiền phạt 250.000 USD.
Với vai trò chủ mưu, Clark đang phải đối mặt với hơn 30 tội danh khác nhau, bao gồm lừa đảo có tổ chức, xâm nhập máy tính bất hợp pháp, lấy cắp danh tính và tấn công mạng… Các công tố viên cho biết Clark sẽ bị buộc tội như người trưởng thành và sẽ phải nhận một án phạt thích đáng.
Hiện FBI vẫn tiếp tục điều tra vụ việc để xác định xem còn thủ phạm nào khác đứng sau vụ tấn công mạng này hay không.