2006: Smartphone nhân đôi doanh số
(Dân trí) - Sự bùng nổ của thị trường điện thoại thông minh (smartphone) sẽ kích thích doanh số của thiết bị di động này trong năm nay tăng gấp đôi so với 2005. Công ty nghiên cứu thị trường ABI Research dự đoán.
Trước đây, giá cả trên trời, kiểu dáng “thô” và người dùng ít có nhu cầu sử dụng các dịch vụ dữ liệu cao cấp nên hạn chế sự bùng nổ của smartphone trên thị trường thiết bị điện tử.
Công ty nghiên cứu thị trường dự đoán, năm nay sẽ có khoảng 123 triệu smartphone được xuất xưởng, chiếm 15% thị phần điện thoại di động.
Philip Solis, nhà phân tích cao cấp của ABI Research, cho rằng có 5 yếu tố kích thích sự bùng nổ của smartphone.
“Nhu cầu ngày càng tăng đối với các ứng dụng dữ liệu - đặc biệt là e-mail trên điện thoại, và tin nhắn IM - sẽ là cú hích mạnh đối với thị trường, nhất là khi tốc độ mạng di động 3G lý tưởng với việc trao đổi dữ liệu trên điện thoại”, ông Solis giải thích.
Ông nói thêm: “Giá cả của các sản phẩm ngày càng giảm và thị trường xuất hiện rất nhiều mẫu mã mới nên người dùng có nhiều cơ hội chọn lựa hơn trước đây. Năm ngoái, số điện thoại xuất xưởng tăng 39% so với 2004”.
Theo nhà phân tích này, chức năng của smartphone liên tục được mở rộng, kiểu dáng nhỏ gọn, bắt mắt hơn, tiêu thụ ít điện năng hơn và tuổi thọ pin lâu hơn.
Smartphone trở nên lý tưởng hơn trong mắt người dùng vì các hãng sản xuất đều tập trung tích hợp tính năng Wi-Fi cho máy. “Đến năm 2010, sẽ có khoảng 25% điện thoại thông minh được trang bị công nghệ không dây này”, ông Solis dự đoán.
Ông Solis của nhấn mạnh rằng làn sóng chuyển đổi hệ điều hành dành cho smartphone cũng là yếu tố kích thích sự tăng trưởng mạnh của điện thoại thông minh. Mặc dù, các hãng điện thoại như Motorola, Samsung, NEC và Panasonic đều hậu thuẫn cho hệ điều hành Palm OS, nhưng nền Windows Mobile của Microsoft vẫn đang giữ thế “thượng phong”.
“Mặc dù hiện tại hệ điều hành Symbian OS vẫn chiếm phần lớn thị phần nhưng trong thời gian tới sẽ phải chia đôi thị phần cho các đối thủ khác”, ông Solis nhận định.
N.Hương
Theo VNuNet