1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Y tế học đường yếu kém, nguy cơ dịch bệnh gia tăng

(Dân trí) - Yêu cầu công việc đòi hỏi trình độ như một bác sĩ đa khoa nhưng lại hưởng đồng lương “chết đói” nên cán bộ Y tế không mặn mà với môi trường học đường. Nhiều trường học đã biến thành ổ bệnh vì công tác Y tế học đường chưa được quan tâm đúng mức.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã liên tiếp xuất hiện 3 ổ bệnh thủy đậu trong trường học. Tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) vào đầu tháng 2 có 10 học sinh thuộc 2 lớp bị mắc bệnh; kế đến là trường tiểu học Hàm Tử (quận 5) với 11 ca bệnh trong cùng một lớp. Mới đây nhất tại trường mầm non Sơn Ca 3 (quận 12) có tới 20 trẻ lần lượt mắc bệnh.

Theo phân tích của ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, số ca bệnh không xảy ra cùng lúc mà có sự nhiễm chéo từ các học sinh trong lớp hoặc từ học sinh lớp này qua học sinh lớp khác. Dịch bệnh trong trường học dấy lên mối quan ngại về nguy cơ phát tán ra cộng đồng nên học sinh buộc phải nghỉ học để cách ly điều trị, đồng thời ngành Y tế phải hỗ trợ các trường tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Y tế học đường hạn chế là một trong những nguyên nhân hình thành ổ dịch
Y tế học đường hạn chế là một trong những nguyên nhân hình thành ổ dịch

Ba trường xuất hiện ổ dịch thủy đậu chỉ là con số bề nổi, con số thực tế có thể còn cao hơn khi còn nhiều loại bệnh khác như sởi, tay chân miệng, hay bệnh về đường hô hấp đang hoành hành trên địa bàn thành phố. Ngành Y tế lo ngại xu hướng “ém” bệnh dịch không khai báo tại các trường vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh học sinh và chất lượng đào tạo sẽ gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Nhà trường phải có trách nhiệm bảo đảm sức khỏe và an toàn cho học sinh khi đến sinh hoạt, học tập tại trường. Tuy nhiên, thống kê về công tác Y tế học đường trên địa bàn thành phố chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, toàn ngành Giáo dục thành phố chỉ có 30,1% số trường có cán bộ Y tế đạt chuẩn. Ngoài ra, chỉ có 11/24 Phòng giáo dục và Đào tạo quận huyện có cán bộ Y tế chuyên trách công tác Y tế trường học.

Học sinh cần được chăm sóc bảo vệ sức khỏe khi học tập tại trường
Học sinh cần được chăm sóc bảo vệ sức khỏe khi học tập tại trường

Ngoài những bất cập từ việc chưa có chính sách đào tạo nguồn cán bộ Y tế cho ngành Giáo dục, sự thiếu hụt của đội ngũ này là do yêu cầu công việc của cán bộ Y tế tại trường quá cao, một cán bộ Y tế phải gánh vác cùng lúc nhiều công việc từ sức khỏe thường ngày của học sinh đến sơ cấp cứu khi có tình huống xấu, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, chịu trách nhiệm về nha, mắt, dinh dưỡng học đường…

Trong khi đó, mức thu nhập của cán bộ Y tế học đường thấp hơn nhiều so với những đồng nghiệp làm việc tại các cơ sở y tế chuyên khoa.  Ngoài chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, ba tháng nghỉ hè của học sinh cũng là lúc cán bộ Y tế học đường nghỉ không lương. Cùng với đó, môi trường làm việc thiếu trang thiết bị và các phương tiện hỗ trợ gây khó khăn cho cán bộ Y tế khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

UBND thành phố dự báo, trong thời gian tới nếu không được tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng kịp thời và không có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đội ngũ cán bộ y tế tại các trường học sẽ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc đảm bảo công tác sức khỏe học sinh, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để chấn chỉnh những yếu kém, tăng số lượng và chất lượng của cán bộ Y tế học đường, UBND thành phố vừa phê duyệt đề án: “Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với viên chức Y tế trường học của thành phố đoạn 2014 - 2016.” Với đề án này, thành phố kỳ vọng đến năm 2016 tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn sẽ có đủ cán bộ Y tế chuyên trách về công tác Y tế trường học đạt trình độ tốt nghiệp Trung cấp Y tế trở lên.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm