Xuất ngoại nâng mũi, nhiều quý ông ngậm đắng…
(Dân trí) - Cuộc sống hiện đại kéo theo nhu cầu về thẩm mỹ ngày càng cao. Giờ đây không chỉ chị em thích làm đẹp, mà ngay cả các đấng mày râu cũng muốn “chỉnh sửa”. Xuất ngoại nâng mũi đã khiến nhiều quý ông dở khóc, dở cười ngậm đắng vì tiền mất tật mang.
Xuất ngoại nâng mũi, anh Phạm Quốc D. (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) không ngại chi số tiền lên tới cả trăm triệu đồng (chi phí phẫu thuật, vé máy bay, đi lại, ăn ở,…) với mong muốn đầu mũi to hơn để có tướng phát lộc, đồng thời cải thiện cái sống mũi phẳng lì của mình thành mũi dọc dừa. Về nước, chưa vui mừng được bao lâu anh D. đã phải tìm đến các chuyên gia thẩm mỹ trong nước xin tư vấn vì cái mũi “dọc dừa, phát lộc” của anh đỏ ửng, sưng to gây đau đớn và khó chịu.
Để tránh biến chứng bệnh nhân cần thực hiện nghiêm túc lời dặn của bác sĩ và chọn những cơ sở có chuyên khoa thẩm mỹ uy tín (ảnh minh họa: Internet)
Một trường hợp khác là anh N.N.A (30 tuổi, Hà Nội) vừa được phẫu thuật khắc phục biến chứng do nâng mũi tại khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, bệnh viện TƯ Quân đội 108. Cách đây hơn một năm, anh A. đã đi phẫu thuật nâng mũi ở Hàn Quốc. Sau khi về nước, anh A. thấy tức nặng, sưng đỏ ở đầu mũi nên đã đến viện khám và được bác sĩ khuyên phẫu thuật lấy mảnh ghép silicon trong mũi ra, sau đó sẽ tiến hành nâng lại.
Vì nghĩ mình đã ra tận nước ngoài làm thì kỹ thuật và chất lượng sẽ đảm bảo an toàn nên anh A. chần chừ, không phẫu thuật ngay. Nhưng sau gần 2 tháng, bệnh nhân đã phải vào viện cấp cứu do bị biến chứng nặng: mảng da ở đầu sụn mũi bị bào mỏng, bằng mắt thường cũng có thể nhìn rõ miếng ghép silicon trong mũi. Nghiêm trọng hơn, da đầu sụn mũi có dấu hiệu hoại tử với kích thước khoảng 0,5cm.
“Chúng tôi đã phải phẫu thuật ngay do mảnh ghép bằng silicon trong mũi quá dài, lại không được khắc phục sớm nên gây biến chứng nặng. Như vậy, mong ước có chiếc mũi đẹp của bệnh nhân tan tành mây khói, thậm chí mũi còn bị xấu hơn vì chắc chắn sẽ để lại sẹo trên đầu mũi”, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, cho biết.
Những phương pháp phòng tránh biến chứng
PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, bệnh viện Xanh-pôn, cho biết, cánh mày râu thường không chăm sóc, giữ gìn sau phẫu thuật như chị em nên nguy cơ bị biến chứng cũng cao hơn, nhất là nguy cơ nhiễm trùng. Các mảnh ghép khi đưa vào trong mũi, dù tốt và đắt đến đâu cũng là dị vật và đều có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Các trường hợp bị nhiễm trùng sẽ có triệu chứng mũi đau, đỏ, có hiện tượng mưng mủ ngay sau tuần đầu phẫu thuật. Trong trường hợp đó, bệnh nhân phải được chỉ định lấy miếng ghép ra ngay khỏi mũi và tiến hành các biện pháp sát trùng và chỉ nên làm lại mũi sau 3 - 6 tháng.
Ngoài ra, khi nâng mũi bệnh nhân có thể gặp 2 biến chứng nữa là cong vẹo và thủng đầu mũi. Nguyên nhân cong vẹo, lung lay mũi là do bác sĩ đặt mảnh ghép không đúng vị trí khiến sống mũi bị lệch hoặc mảnh ghép không được bám chắc vào xương. Còn thủng đầu mũi là do mảnh ghép đặt trong mũi quá dài, dù chỉ dài quá 1 li cũng có thể khiến mũi bị đâm thủng. Việc sử dụng chất liệu mảnh ghép không đảm bảo chất lượng cũng có nguy cơ gây thủng đầu mũi. Với những trường hợp này, người bệnh nếu không đi phẫu thuật lấy miếng ghép ra ngay rất dễ bị hoại tử đầu mũi.
T.H