1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xử trí khi trẻ co giật do sốt

Khảo sát của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TPHCM cho thấy gần một nửa các bà mẹ cứ để con trong tình trạng co giật, bế chạy vào BV mà không xử trí gì. Số còn lại xử trí sai, gây biến chứng cho trẻ.

Trung bình mỗi năm khoa cấp cứu tiếp nhận 300-400 bệnh nhi (BN) co giật do sốt. Bác sĩ Bạch Văn Cam, trưởng khối hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1, cho biết co giật do sốt - dân gian gọi là “nóng làm kinh”- là tình trạng cấp cứu rất thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, nhưng tập trung nhiều nhất ở trẻ 1-2 tuổi.

 

Triệu chứng xác định co giật do sốt là trẻ sốt trên 38 độC (nhiệt độ đo ở nách), có co giật. Cơn co giật xảy ra ngắn dưới 5 phút, xảy ra ở cả hai tay, hai chân (nếu chỉ giật một tay, một chân là bệnh khác), sau đó tự hết.

 

Đến nay, khoa học chưa giải thích được tại sao “nóng làm kinh” lại tập trung ở độ tuổi này, nhưng sốt là nguyên nhân tác động, kích thích đến hệ thần kinh trung ương gây co giật.

 

Ba điều không nên làm khi trẻ co giật do sốt:

 

- Vắt chanh, đổ thuốc vào miệng khi đang co giật gây hít sặc, ngạt thở.

 

- Quấn kín, ủ ấm làm nhiệt độ tăng cao và co giật kéo dài.

 

- Lau mát bằng nước đá vì ít hiệu quả còn bằng rượu gây ngộ độc.

 

Bác sĩ Cam đề nghị các bà mẹ cần lưu ý: trẻ bị co giật sau khi sơ cứu phải đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị thích hợp.

 

Ngoài ra, tất cả người thân của trẻ, các cô giáo ở nhà trẻ, trường mầm non công - tư, nhóm trẻ gia đình cũng cần phải học để biết cách xử trí co giật do sốt nhằm tránh những tai biến, tử vong oan uổng cho trẻ. Đồng thời, ở gia đình cần có sẵn nhiệt kế, có thuốc hạ sốt dạng uống và dạng nhét hậu môn (bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh).

 

Phải theo dõi sát nhiệt độ của trẻ khi có sốt bằng nhiệt kế cặp nách. Khi trẻ sốt cao, dùng thuốc nhét hậu môn ngay. Bà mẹ cần cho giáo viên biết tình trạng co giật do sốt của trẻ để cô giáo chú ý.

 

Theo bác sĩ Cam, co giật do sốt tuy là bệnh cấp cứu nhưng lành tính, nếu biết xử trí tốt lúc đầu sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển tâm thần kinh, trẻ vẫn học giỏi như các em khác.

 

Ba bước xử trí

 

Bước một là làm thông đường thở: đặt trẻ nằm nghiêng bên để đàm nhớt chảy ra ngoài; hút đàm nhớt nếu có dụng cụ. Đặt khăn xếp giữa hai hàm răng để tránh cắn lưỡi. Bước hai là cởi bỏ quần áo, nhét hậu môn thuốc hạ nhiệt paracetamol với liều 10mg/kg/lần (6 tháng -1 tuổi: 1 viên 80mg; 1-5 tuổi: 1 viên 150mg).

 

Bước ba là lau mát hạ sốt: nhúng khăn vào nước ấm (như nước tắm bé) hoặc nước thường, vắt ráo. Đặt ở nách, bẹn và lau khắp người. Thêm nước ấm nếu nước lau nguội. Thay khăn mỗi 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ nách dưới 38 độC.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ