Xót xa tỉ lệ nghịch sức khỏe trẻ và giá sữa

(Dân trí) - Một trong những giải pháp để tăng chất lượng bữa ăn, chống thiếu hụt vi chất, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là việc sử dụng sữa hàng ngày. Tuy nhiên, giá sữa tăng cao đang là vật cản lớn trong chiến lược cải thiện tầm vóc giống nòi.

Sau 6 tháng đầu đời bú mẹ hoàn toàn, bước vào thời kỳ ăn dăm là lúc trẻ cần được bổ sung thêm dinh dưỡng từ nguồn sữa ngoài để cung cấp các dưỡng chất như vitamin, khoáng chất, chất béo… cần thiết cho sự phát triển cân đối về trí não và tầm vóc của trẻ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, ngoài chế độ ăn chính là cháo, cơm, mì, súp, bún, phở… từ 1 đến 5 tuổi bé vẫn cần từ 400-500ml sữa mỗi ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trẻ em ở vùng sâu vùng xa do điều kiện kinh tế khó khăn cùng với đó là nhận thức của các ông bố bà mẹ về tầm quan trọng của sữa ngoài còn nhiều hạn chế nên không ít trẻ chưa được tiếp cận với sữa hoặc chỉ được uống sữa khi bị đau ốm bệnh tật. Nhưng khi áp lực đồng tiền đè nặng, việc cho con uống sữa ở các thành phố lớn cũng đang trở thành vấn đề lớn. 
 
Xót xa tỉ lệ nghịch sức khỏe trẻ và giá sữa  - 1
Hơn 27% trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng thể thấp còi  

“Sinh con mới được 4 tháng, tôi đã phải đi làm trở lại từ đó đến nay bé bú sữa ngoài là chính. Nhưng với đồng lương công nhân chỉ được khoảng 2,5 triệu đồng/ tháng, việc nuôi con của tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Lương của tôi chỉ có thể mua cho con được vài hộp sữa trong khi vợ chồng còn phải lo gánh nặng về tiền phòng trọ, ăn uống và chi phí sinh hoạt khác nên bữa ăn của con chủ yếu là bột, cháo... thành ra bé mới èo uột thế này”.

Ôm đứa con gái đã 13 tháng tuổi nhưng mới được 7kg ngồi trước phòng cân đo của Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, chị Nguyễn Thị Lệ Thu, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình xót xa tâm sự. Không chỉ chị Thu mà hầu hết những người dân sống trên địa bàn thành phố có thu nhập bình quận dưới 3 triệu đồng mỗi tháng đều phải lao đao với việc nuôi con bằng sữa ngoài.

Theo thống kê, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước là 16,5%, thể thấp còi là 27,5%. Tại TPHCM tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 5,9% thấp còi là 7,7%. Mặc dù Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động nhưng việc kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên cả nước vẫn chưa đạt hiệu quả khả quan. Tác nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do điều kiện kinh tế chi phối khiến bữa ăn không đủ dưỡng chất đáp ứng cho sự phát triển của trẻ.
 
Xót xa tỉ lệ nghịch sức khỏe trẻ và giá sữa  - 2
Trẻ em Việt Nam đang "khát" trong cơn "bão" giá sữa
 
Một trong những giải pháp để tăng chất lượng bữa ăn, chống thiếu hụt vi chất, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là việc sử dụng sữa hàng ngày. Tuy nhiên, mới bước vào đầu năm 2012 tất cả các nhãn sữa đều đồng loạt tăng giứa từ 5 đến 10% trong khi đồng lương của phụ huynh gần như vẫn giậm chân tại chỗ là vật cản trên con đường tiếp cận sữa của trẻ em.

Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng thành phố, nhận định: “Phần lớn người dân đã hiểu được tầm quan trọng của sữa đối với sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên hiện nay giá sữa quá cao khiến những người dân có thu nhập trung bình trở xuống khó có thể tiếp cận để nuôi con bằng các loại sữa ngoài. Thiếu sữa cùng với chất lượng bữa ăn không đảm bảo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ”.

“Ngành dinh dưỡng rất mong các nhà sản xuất sữa nội cũng như các nhà nhập khẩu, phân phối sữa ngoại, ngoài những lợi ích về kinh tế cần phải chăm lo đến lợi ích của cộng đồng từ đó có sự điều chỉnh giá cả hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em Việt Nam được uống sữa mỗi ngày. Hiện nay tại Việt Nam đang có các chương trình bình ổn giá, chúng tôi rất hy vọng không chỉ các doanh nghiệp sữa của Việt Nam tham gia chương trình này mà sẽ có sự góp mặt của các nhà sản xuất, kinh doanh sữa nước ngoài đang hoạt động, tại Việt Nam để cùng hướng đến mục tiêu phát triển con người”.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm