Xét nghiệm phát hiện sớm ung thư giảm gần 70% tại tâm dịch Covid-19
(Dân trí) - Theo một báo cáo vừa được công bố, số lượng các xét nghiệm y tế được thực hiện ở Mỹ, trong đó có chẩn đoán ung thư, đã sụt giảm đáng kể từ khi dịch Covid-19 hoành hành.
Báo cáo được thực hiện bởi Komodo Health – Tổ chức có một nền tảng dữ liệu y khoa được kiểm chứng khổng lồ - đã chỉ ra rằng, hàng triệu người Mỹ đang tạm hoãn các xét nghiệm y khoa dùng để chẩn đoán hoặc giám sát bệnh lý.
“Chúng tôi đã nhìn thấy những hậu quả khủng khiếp của đại dịch Covid-19 trong công tác chẩn đoán, phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính” – TS Arif Nathoo, Giám đốc điều hành Komodo Health nhận định.
Được biết, tổ chức này đã tiến hành thu thập dữ liệu từ hóa đơn khám chữa bệnh của 320 triệu bệnh nhân trên khắp nước Mỹ, trong giai đoạn 19/3-20/4 và so sánh với thời điểm 11 tuần trước đó (khi Covid-19 vẫn chưa bùng phát), cũng như so sánh với cùng khoảng thời gian này vào các năm trước.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng, Covid-19 đã khiến số lượng xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung đã giảm 68%; xét nghiệm chỉ số cholesterol giảm 67% và xét nghiệm chỉ số đường huyết giảm 65%. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do người dân ngại đến các cơ sở y tế vì lo ngại rủi ro lây nhiễm Covid-19.
Các chuyên gia còn phát hiện những khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi Covid-19 tại nước Mỹ, cũng sẽ có sự sụt giảm lớn nhất về các xét nghiệm y khoa được thực hiện, cụ thể:
Xét nghiệm máu A1c – Loại xét nghiệm cung cấp thông tin về chỉ số đường huyết trung bình, cũng là xét nghiệm chính để kiểm soát tiểu đường – đã giảm đến hơn 90% ở quận Manhattan, New York (thành phố New York là tâm dịch Covid-19 ở Mỹ).
Trong khi đó, tiểu bang Massachusetts ghi nhận số lượng xét nghiệm cholesterol giảm kỷ lục: 80%. Ở bang California, số lượng xét nghiệm ung thư cổ tử cung lại giảm đến 76%. Bác sĩ David Tom Cooke, Trung tâm y tế UC-Davis, bang California cho biết: “Các bệnh nhân của tôi vẫn đang được điều trị bình thường. Tuy nhiên, số lượng các chẩn đoán ung thư được thực hiện lại giảm đi đáng kể. Điều này khiến tôi hết sức lo ngại việc nhiều bệnh nhân mắc ung thư chỉ có thể biết đến tình trạng của mình, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn”. Cũng theo chuyên gia này, hiện UC-Davis cũng đã dừng tầm soát nhiều loại ung thư như ung thư vú và ung thư phổi.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân ung thư thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao khi đối mặt với Covid-19. Việc bệnh nền tàn phá cơ thể kết hợp với các phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bệnh nhân ung thư có tỉ lệ tử vong hoặc mắc các biến chứng nặng cao hơn, nếu bị virus SARS-CoV-2 tấn công.
Trước thực tế này, chính quyền tại nhiều bang của Mỹ đã yêu cầu tạm hoãn các liệu trình điều trị, được xem là không mang tính chất sống còn, đối với bệnh nhân ung thư, để giảm thiểu rủi ro mắc Covid-19 có thể gặp phải nếu bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị. Đối với các trường hợp vẫn được tiếp tục điều trị, sẽ có nhiều thay đổi được tiến hành để giảm nguy cơ lây nhiễm như: tăng liều điều trị để giảm số lần điều trị; di dời khu vực điều trị cho bệnh nhân ung thư ra xa khu vực bệnh nhân thường, bệnh nhân Covid-19; tăng cường việc tư vấn, theo dõi diễn biến bệnh nhân thông qua điện thoại.
Minh Nhật
Theo Foxnews