Xem xét đưa vắc xin ngừa HPV vào tiêm chủng mở rộng
(Dân trí) - Dù chỉ khoảng 7% người nhiễm vi rút HPV tiến triển thành ung thư nhưng theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, hiện Việt Nam đang xem xét đưa vắc xin này vào chương trình TCMR.
Thưa ông, xin ông đánh giá kết quả của chương trình tiêm ngừa vắc xin HPV cho trẻ em gái được Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tiến hành trước đây?
Từ năm 2007, viện được Bộ Y tế phê duyệt đề án hợp tác với tổ chức PATH đánh giá bằng chứng tác động của HPV khi đưa vào tiêm chủng mở rộng. VN là một trong 4 nước được chọn thực hiện dự án nhằm đưa ra mô hình khuyến cáo sẽ triển khai tiêm HPV như thế nào trong chương trình TCMR trong tương lai.
Chúng tôi đã triển khai dự án qua hai giai đoạn. Giai đoạn 2007 – 2008 nghiên cứu những điều kiện cần thiết của việc đưa vắc-xin HPV vào chương trình TCMR. Kết quả phỏng vấn từ các lãnh đạo cộng đồng, các thầy cô giáo, trẻ em, bố mẹ… thì đa số mọi người ủng hộ đưa HPV vào TCMR. Nhưng băn khoăn rất lớn của những người được phỏng vấn là về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng kháng thể của vắc xin có bảo vệ lâu dài không? Tính an toàn của vắc xin như thế nào? Giá thành vắc xin ra sao để người dân có thể chấp nhận được…
Giai đoạn hai từ 2008 - 2010 chúng tôi đã tiến hành tiêm vắc-xin cho 6.000 trẻ trong 2 năm với 18 ngàn mũi tiêm ở huyện miền núi Quang Hóa (Thanh Hóa), huyện nông thôn Nông Cống (Thanh Hóa) và vùng thành thị là phường Bình Thủy, Ninh Kiều (Cần Thơ).
Kết quả cho thấy, cả hai chiến lược tiêm ở trường học và ở trạm y tế đều cho kết quả cao như nhau. Ở vùng núi và vùng nông thôn, tỉ lệ bao phủ đạt trên 98%, trong khi đó tại Cần Thơ, tỉ lệ chỉ đạt 89 - 91%.
GAVI đánh giá như thế nào về kết quả này, thưa ông? Với kết quả này, Việt Nam có đủ tiêu chuẩn để được GAVI tài trợ vắc-xin đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng không, thưa ông?
Với tỷ lệ bao phủ tiêm chủng này, GAVI đánh giá cao Việt Nam và Việt Nam đủ điều kiện xin lãnh đạo GAVI tài trợ vắc-xin này. Bởi một trong các điều kiện để nhận tài trợ vắc xin là nước đó phải đã từng triển khai vắc-xin này, chứng minh có sự bao phủ cao và triển khai trên thực tế, không ảnh hưởng đến hệ thống TCMR.
Vậy tại sao đến nay, sau hai năm triển khai dự án, Việt Nam vẫn chưa được tài trợ vắc-xin này để đưa vào TCMR?
Chúng tôi đang lập kế hoạch trình Bộ Y tế về các loại vắc xin đưa vào trong tương lai. Trong 10 năm qua, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã giúp chúng ta rất nhiều, từ vắc xin sởi, viêm gan B, gần đây là vắc xin 5 trong 1 miễn phí.
Tuy nhiên, hỗ trợ của GAVI là có điều kiện. Đó là GAVI chỉ hỗ trợ những nước nghèo có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.500 USD năm. Việt Nam có thể sẽ vượt ngưỡng này, chỉ vài ba năm nữa. Trong khi đó thêm một điều kiện để nhận hỗ trợ, đó là chúng ta phải đảm bảo cam kết duy trì triển khai vắc xin trong nhiều năm tới.
Vì thế, với vắc xin HPV, đã có một số nhà tài trợ tiếp cận, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam một vài năm miễn phí vắc xin này cho chương trình TCMR với điều kiện phải duy trì được nó sau khi không còn được nhận tài trợ nữa. Đó là một vấn đề rất khó khăn bởi nếu tính ra tiền chi cho vắc xin HPV trong một năm sẽ phải chi khoảng 720 tỷ đồng.
Như với vắc xin 5 trong 1, Chính phủ quyết tâm đưa vào vì lợi ích to lớn của sức khỏe trẻ em. Nhưng trong vài năm tới, chúng ta phải tự chi trả toàn bộ chi phí số vắc xin này, với khoảng 467 tỷ mỗi năm. .
Chúng tôi đang tính đến phương án xã hội hóa trong việc tiêm phòng vắc-xin này (người dân chỉ phải chi trả một phần). Ngoài ra, phương án bảo hiểm y tế chi trả cho vắc-xin cũng được tính đến. Sắp tới chúng tôi sẽ bàn bảo hiểm y tế chi trả, vắc-xin HPV chẳng hạn sẽ do bảo hiểm y tế chi trả.
Được biết, vi-rút HPV khả năng lây nhiễm cao nhưng chỉ 7% số người lây nhiễm có khả năng tiến triển thành ung thư. Còn lại phần lớn là bệnh tự khỏi. Điều này có mâu thuẫn gì với chiến lược sử dụng vắc-xin HPV với chi phí rất đắt đỏ không, thưa ông?
Vi rút HPV có khoảng 100 tuýp khác nhau, trong đó có 13 tuýp liên quan đến ung thư sinh dục cả ở nam và nữ giới. Các tuýp còn lại thường lành tính, hoặc gây các bệnh u nhú, viêm loét vùng sinh dục… Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm nhiễm HPV lại rất cao (50% số người ở tuổi có hoạt động tình dục có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời).
Dù chỉ 7% người nhiễm HPV tiến triển thành ung thư nhưng ung thư cổ tử cung được xem là bệnh lý nguy hiểm, Ung thu cổ tử cung là một trong nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ, đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú. Trong cộng đồng không biết ai là bị sẽ nhiễm HPV và ai sẽ tiến triển thành ung thư nên vắc xin vẫn là một công cụ hữu hiệu phòng ngừa ăn bệnh này.
Tiêm vắc-xin HPV có ngừa được ung thư cổ tử cung hoàn toàn không, thưa ông?
Trong chiến lược phòng chống ung thư cổ tử cung, tiêm vắc xin (dự phòng chủ động tốt nhât khi người đó chưa có quan hệ tình dục và chưa bị nhiễm HPV) chỉ là một trong các biện pháp của chiên lược thổng thể dự phòng ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó cũng phải tiến hành các biện pháp giáo dục sức khỏe, nâng cao kiên thức về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HPV và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, thực hiện hành vi an toàn trong tình dục. Hơn nữa, phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, cần thường xuyên đi khám phát hiện sớm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung để điều trị sớm trước khi phát triển thành ung thư.
Mọi người cần luôn ghi nhớ, tiêm vắc xin đồng thời với việc thực hiện hành vi tình dục an toàn và tầm soát phát hiện bệnh sớm sẽ phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.
Hồng Hải (ghi)