1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xã hội hóa chiến lược dinh dưỡng, nâng chiều cao người Việt

(Dân trí) - Người Việt Nam đang bị xếp vào nhóm lùn nhất của Châu Á, trong 10 năm qua chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng được 1cm. Để cải thiện tầm vóc của người Việt, chiến lược dinh dưỡng Quốc gia đã bước đầu được xã hội hóa.

Người Việt lùn nhất Châu Á

Theo phân tích của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao được đánh giá là chuẩn mực đầu tiên của sức khỏe. Từ khi còn là bào thai, nếu trẻ được chăm sóc tốt sẽ có điều kiện để phát triển chiều cao tối ưu, sức khỏe tốt cũng tạo điều kiện để phát triển nhanh cả về trí tuệ lẫn tinh thần với chiều cao tốt, cơ hội nhận được công việc, nghề nghiệp của mỗi người cũng tốt hơn.

Thế hệ trẻ cần được quan tâm chăm sóc để cải thiện tầm vóc
Thế hệ trẻ cần được quan tâm chăm sóc để cải thiện tầm vóc

Để trẻ có thể đạt chiều cao tối đa cần sự phát triển hài hòa của nhiều yếu tố di truyền (23%); dinh dưỡng (32%); rèn luyện thể lực (20%); môi trường tâm lý (25%). Tuy nhiên, thực tế trẻ em Việt Nam đang thiếu trước hụt sau các yếu tố trên khiến tầm vóc của người Việt đang đứng ở hàng thấp lùn.

Hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt Nam mới chỉ đạt 164cm đối với nam và 154cm đối với nữ. Ở khu vực Châu Á, Việt Nam chỉ cao tương đương với Indonesia nhưng thấp hơn chiều cao trung bình của Nhật Bản và Hàn Quốc từ 7-10cm. Hạn chế trên không phải do di truyền của người Việt Nam thuộc dạng thấp bé. 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, một nghiên cứu đã được thực hiện tại Pháp trên trẻ có bố mẹ là người Việt Nam, được sinh ra và nuôi dưỡng ở Pháp. Kết quả cho thấy, từ khi được sinh ra cho đến năm 18 tuổi, nhóm trẻ người Việt Nam tại Pháp phát triển tương đương như trẻ có bố mẹ là người Pháp.

Điều đó khẳng định rằng, vóc dáng của người Việt không hề thua kém các nước khác. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, vận động, môi trường đang tác động xấu đến sự phát triển chiều cao của người Việt. Từ những năm 1999 Việt Nam có khoảng 40% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi. Với sự phát triển của Y tế và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đến năm 2011, tỷ lệ suy dinh dưỡng còn 18,6% hiện nay là 15,3%.

Đây là tình trạng suy dinh dưỡng mạn tính từ khi trẻ còn trong bào thai, phản ánh thực tế thiếu ăn kéo dài, thiếu vitamin, khoáng chất, canxi… Khi sinh ra trẻ không được nuôi dưỡng đầy đủ bằng sữa mẹ, ăn uống không đủ dưỡng chất cần thiết. Bên cạnh đó những hạn chế về vận động và môi trường ô nhiễm đang tạo ra nhiều bệnh nhiễm khuẩn ảnh hưởng không nhỏ tới sức vóc của trẻ trong những năm đầu đời, tác động tiêu cực đến chiều cao của các bé.

Xã hội hóa chiến lược dinh dưỡng

Để phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ, PGS.TS Lâm khuyến cáo, trước và trong thời kỳ mang thai, bà mẹ phải được chăm sóc tốt về mặt dinh dưỡng. Cần phải định hướng và nâng ý thức của người mẹ trong việc cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu cùng chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong những tháng tiếp theo của 2 năm đầu đời và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.

Năm 2011 Chính phủ đã phê duyệt chương trình nâng cao tầm vóc Việt, từ chương trình trên các chuyên gia dinh dưỡng kỳ vọng đến năm 2030 chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam có thể tăng lên thêm 4cm. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thị Lâm, những khó khăn về kinh tế đang khiến chiến lược cải thiện chiều cao cho người Việt Nam gặp nhiều rào cản, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi do thiếu hụt ngân sách.

Chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ là một trong các yếu tố cấu thành chiều cao
Chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ là một trong các yếu tố cấu thành chiều cao

Để học hỏi những kinh nghiệm cải thiện tầm vóc của Nhật Bản, chính phủ Việt Nam đã cử nhiều đoàn tham quan. Từ thực tế của nước bạn chúng tôi nhận thấy nếu chỉ trông chờ vào kinh phí từ chính phủ mà không có sự chung sức của cả xã hội thì mục tiêu nâng cao tầm vóc của người Việt khó có thể thành hiện thực.

Từ thực tế đó, chiến lược dinh dưỡng quốc gia nâng cao tầm vóc Việt đang từng bước được xã hội hóa để huy động nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức xã hội vào việc phát triển nâng cao chất lượng dinh dưỡng, giúp trẻ có được điều kiện lý tưởng cho sự phát triển vóc dáng. Ngày 4/11, tại TPHCM Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác “Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam” bắt đầu cho kế hoạch xã hội hóa mục tiêu quốc gia.

Bà Trần Thị Hương, Phó chỉ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, chương trình hợp tác bước đầu diễn ra trong thời gian từ nay đến hết năm 2018 tập trung vào các nội dung: đào tạo nâng cao kiến thức cho những cán bộ của Hội phụ nữ về chiến lược phát triển tầm vóc của thế hệ trẻ; biên soạn và phổ biến những tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng ông bố, bà mẹ, trẻ em cũng như các giáo viên trong nhà trường; tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép với các hoạt động tuyền truyền chăm sóc bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; xây dựng đội ngũ tuyền truyền từ trung ương đến địa phương để giáo dục nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, giúp trẻ phát triển tốt nhất về vóc dáng và trí lực cải thiện chiều cao của người Việt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đây là bước mở đầu cho chiến lược xã hội hóa, định hướng cộng đồng cải thiện chiều cao cho thế hệ trẻ Việt Nam. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2014, kế hoạch sẽ được thử nghiệm tại 5 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TPHCM và Cần Thơ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc giáo dục ý thức chăm sóc sức khỏe và vóc dáng của người Việt từ gia đình đến xã hội.

Vân Sơn