Wellcare: Lời giải cho khủng hoảng về sức khỏe tinh thần
(Dân trí) - Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam bắt đầu tăng theo báo cáo của Google và UNICEF. Làm thế nào để chọn một dịch vụ tư vấn tâm lý uy tín trong khi việc cung cấp tại Việt Nam còn hạn chế?
Đại dịch Covid-19 đang thay đổi thế giới ở mọi khía cạnh. Không chỉ về kinh tế, trong sinh hoạt, mà còn là cách chúng ta suy nghĩ và hành động cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm lý, tinh thần.
Đại dịch kéo theo cuộc khủng hoảng về sức khỏe tinh thần
Những nỗi lo âu, mất mát, cảm giác cô lập và sợ hãi trong đại dịch là tác nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần, hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hiện có. Theo WHO, nhiều người có thể phải đối mặt với việc lạm dụng rượu bia và chất kích thích, tình trạng mất ngủ và lo âu.
Bản thân Covid-19 cũng có khả năng dẫn đến các biến chứng thần kinh và tinh thần, chẳng hạn như mê sảng, kích động. Những người đã có sẵn các rối loạn về thần kinh và tinh thần lại càng dễ suy giảm sức đề kháng trước bệnh dịch.
Còn tại Việt Nam, theo báo cáo về dữ liệu tìm kiếm của Google năm 2020, số lượt tìm kiếm về "sức khỏe tinh thần" tăng đến 81%, "mất ngủ" tăng 15%. Ngoài ra, "cách giải tỏa stress" cũng được tìm kiếm nhiều hơn 115%, và "tư vấn tâm lý online" tăng 475%. Những con số này cho thấy nhu cầu tìm hiểu và trị liệu cho tinh thần đang được chú ý tại Việt Nam hơn bao giờ hết.
Trước đại dịch, phản ứng lo âu là điều bình thường, nhưng không có nghĩa là cứ mặc cho mình bị cuốn vào vòng xoáy lo âu, mất đi khả năng phán đoán và tự chăm sóc cho mình lẫn người thân. Thay vào đó, bạn nên chủ động nhận diện nguồn gốc và tìm giải pháp tương ứng. Nếu nhận thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc dần ngoài tầm kiểm soát, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia.
Khi nhắc đến các tư vấn tâm lý, đa số người Việt vẫn còn e ngại
Quan niệm rằng bệnh tâm lý là do người bệnh yếu đuối và nhạy cảm vẫn rất phổ biến. Ngoài ra, người Việt vốn đã quen với lối sống cộng đồng ưu tiên lợi ích của tập thể hơn. Chính lối sống này khiến các nhu cầu cá nhân bị xem nhẹ so với những nước phương Tây có lối sống cá thể.
Các vấn đề tâm lý thường không được tìm hiểu sâu sắc mà chỉ gộp chung thành "bệnh tâm thần" với hàm ý kỳ thị và thường gắn liền với các hành vi chống đối xã hội như tệ nạn, trộm cắp. Theo lời giám đốc bệnh viện tâm thần TPHCM trích trong báo cáo của UNICEF: "Nói đến tâm thần là người ta cũng có ý mỉa mai, khinh ghét hoặc là muốn chối bỏ. Gia đình nào có người bệnh tâm thần cũng cảm thấy bị ám ảnh chuyện đó. Nếu bị bệnh nào khác người ta có thể chia sẻ với người ngoài như tôi bị đau bao tử, còn có người bị trầm cảm lo âu, tâm thần là giấu. Có khi đi khám bệnh nhưng cũng giấu người này người kia."
Hai luồng tư tưởng trên gộp lại khiến những người mắc các bệnh tâm lý khó giãi bày bệnh tình vì sợ bị phán xét là "phần tử xấu", "ích kỷ" và "nhu nhược".
Cũng theo báo cáo của UNICEF, việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn. Ngoài những hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự phối hợp giữa các ban ngành, đáng quan ngại nhất là định kiến rằng ngành tâm lý không được coi trọng như những ngành khác. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và phù hợp về giới trong ngành này.
Ngày 26/11/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 34/2020/QĐ-TTg về Danh mục nghề nghiệp Việt Nam. Trong danh mục này, lần đầu tiên Nhà Tâm lý học đã được định danh và phân chia cấp độ chuyên môn rõ ràng trong hệ thống lao động. Bước tiến này không chỉ giúp đỡ cho quá trình chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa chương trình đào tạo trình độ đại học trong nước, mà còn xóa nhòa bớt những thông tin mập mờ và định kiến còn tồn tại về ngành Tâm lý học.
Làm thế nào để tìm được nhà tư vấn - chuyên gia tâm lý phù hợp?
Một số thông tin bạn nên biết khi tìm kiếm chuyên gia phù hợp với tình trạng của mình, theo trang HelpGuide - tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe tinh thần:
Về kinh nghiệm: Cũng là điều quan trọng nhất khi bạn quyết định tìm đến họ, thay vì chỉ tâm sự với một người bạn. Thường thì các bác sĩ, chuyên viên luôn tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, hãy tìm đến người có kinh nghiệm với vấn đề mà bạn gặp phải. Bạn có thể tìm hiểu thông tin này trên website của địa chỉ khám mà mình chọn, hỏi quầy tư vấn hoặc tham khảo ý kiến người quen đã từng trải nghiệm.
Tìm hiểu phương án điều trị: Các bác sĩ có các hình thức trị liệu khác nhau, chẳng hạn như dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Bạn nên tìm hiểu trước về các phương án này, đồng thời trao đổi kỹ càng với bác sĩ khi thăm khám.
Tin theo cảm nhận của mình: Bởi vì đây là buổi tư vấn - trị liệu tâm lý cho bạn, nên cảm nhận của bạn nên được ưu tiên trên hết. Vấn đề này có thể không liên quan đến chuyên môn, mà do những yếu tố như giới tính, tuổi tác, tôn giáo,... và đều ảnh hưởng đến kết quả buổi tư vấn. Nếu cảm thấy chưa thể tin tưởng hoặc không thoải mái, bạn vẫn có thể tìm đến một bác sĩ, chuyên viên khác phù hợp hơn.
Ngoài ra: Nên hỏi trước các thông tin về bảo hiểm, chi phí, vị trí thuận tiện nhất cho những lần tái khám sau.
Để quá trình tư vấn được hiệu quả nhất, đặc biệt đối với người lần đầu trải nghiệm, bạn có thể tham khảo "7 điều cần biết trước khi bắt đầu cuộc tư vấn tâm lý - thần kinh đầu tiên".
Một số địa chỉ khám - tư vấn tâm lý uy tín tại Việt Nam:
1. Tại miền Bắc:
Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải phóng, Đống Đa, Hà Nội.
2. Tại miền Trung:
- Phòng Khám Sức khỏe Tâm Thần và Trị liệu Tâm lý của Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Địa chỉ: 41 & 51, Nguyễn Huệ, Vĩnh Ninh, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
- Bệnh viện Tâm Thần Huế. Địa chỉ: 39 Phạm Thị Liên, Kim Long, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
3. Tại miền Nam:
- Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TPHCM.
- Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Địa chỉ: 66 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, TPHCM.
4. Khám từ xa, tư vấn online:
- Dịch vụ tư vấn và điều trị tâm lý của Wellcare: Bạn có thể tham khảo danh sách các bác sĩ của Wellcare và chọn một bác sĩ phù hợp với nhu cầu của mình để đặt hẹn. Quá trình chẩn đoán, trị liệu hoặc kê đơn thuốc gợi ý đều được thực hiện và lưu trữ trên ứng dụng của Wellcare
Cùng với sự phát triển của đất nước và những nhu cầu đang hiện hữu, ngành tâm lý - tâm thần học tại Việt Nam sẽ ngày càng được đầu tư và phát triển hơn. Nhưng trước đó bản thân mỗi người cần trang bị kiến thức và quan điểm đúng đắn hơn về sức khỏe tinh thần, cho mình và cho cả những người xung quanh.
Tư vấn tâm lý không phải "chỉ dành cho người điên", "kém cỏi" hay "yếu đuối". Ai cũng có những "điểm mù" mà bản thân không thể tự nhận thấy được, khiến nó trở thành khúc mắc lớn, chắn mất hướng giải quyết cho vấn đề mà ta đang mắc kẹt. Đó là lý do chúng ta cần một góc nhìn bên ngoài và mang tính chuyên môn, từ đó tự mình mới có thể đưa ra lựa chọn và hành động sáng suốt hơn.