Vươn tới tầm cao mới trong chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình - Phục hồi Chức năng
(Dân trí) - Lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cần phát triển đồng bộ giữa điều trị và phục hồi chức năng, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ngoài phát triển y học thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình sẽ đưa robot vào phẫu thuật.
Bước tiến mới khắc phục những tồn tại
Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các tai nạn sinh hoạt khác đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội, gây áp lực rất lớn lên các bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình khiến các bệnh viện liên tục rơi vào tình trạng quá tải. Trên thực tế, sau các tai nạn thương tích, việc can thiệp, điều trị đang bị trì hoãn bởi lượng bệnh nhân quá đông, trong những thời điểm nhất định nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất của các bệnh viện không đủ đáp ứng.
Tình trạng bệnh nhân phải chờ phẫu thuật có nguy cơ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Để hạn chế rủi ro cho nạn nhân, các bệnh viện đang tập trung “giải quyết phần ngọn” bằng các giải pháp can thiệp phẫu thuật và tập trung điều trị giai đoạn hậu phẫu. Tuy nhiên, với đặc thù của các ca bị tai nạn thương tích, để có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng bệnh nhân cần được chăm sóc, phục hồi chức năng. Những công đoạn trên đang bị bỏ ngỏ bởi năng lực của các bệnh viện chưa đủ chuyên khoa phối hợp để đáp ứng.
Ngoài lĩnh vực phục hồi chức năng, y học thể thao trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam đang còn thiếu và yếu. Thể thao của Việt Nam trong những năm qua liên tiếp gặt hái nhiều thành công, khẳng định vị thế hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, các cầu thủ, vận động viên của Việt Nam khi đối mặt với các chấn thương nghiêm trọng cần can thiệp từ trước đến nay đều phải ra nước ngoài điều trị.
Để khắc phục những hạn chế trên, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 đã xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động đầu năm 2020 có quy mô 500 giường bệnh. Viện có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại theo Tiêu chuẩn G7 đảm bảo cho chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. Bên cạnh những khoa thiết yếu, các mũi nhọn hướng tới hoàn thiện cho chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam bao gồm phục hồi chức năng và y học thể thao được chú trọng đầu tư phát triển với trình độ chuyên môn và trang thiết bị ngang tầm các quốc gia có nền y học tiên tiến.
Tạo đột phá vươn lên đỉnh cao mới
TS.BS.CKII Trần Lê Đồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - Giám đốc Viện Chấn thương Chỉnh hình cho biết: “Viện được đầu tư, vận hành đồng bộ, phối hợp chuyên môn với Bệnh viện Quân y 175, quy mô 1.000 giường sẽ bảo đảm các vấn đề chuyên môn trong cấp cứu, điều trị cho người dân và thương bệnh binh. Đối với các bệnh lý đa chấn thương và những bệnh lý liên quan, khoa Vật lý trị liệu của Viện Chấn thương Chỉnh hình được xác định là liệu pháp điều trị hỗ trợ cho các liệu pháp can thiệp khác, giúp người bệnh phục hồi được chức năng sau chấn thương”.
Dẫn chứng cho thực tế trên, TS.BS.CKII Trần Lê Đồng cho biết, ngay sau khi đi vào hoạt động, Viện đã tiếp nhận, can thiệp và giúp nhiều ca bệnh giữ lại được chi thể sau tai nạn. Điển hình là trường hợp nam công nhân Nguyễn Văn T. (50 tuổi) bị máy dập giấy cắt đứt lìa 2 chân đã được đội ngũ bác sĩ trẻ của Viện tiến hành vi phẫu, nối thành công. Kế đến là trường hợp nam bệnh nhân Phạm Đình H. (36 tuổi) bị chém lìa tay sau va chạm giao thông cũng được các bác sĩ nối thành công. Sau phẫu thuật, các bệnh nhận đang được vật lý trị liệu phục hồi các chức năng của chi thể bị đứt lìa.
Mới đây nhất, vào ngày 29/4 bệnh viện đã thực hiện một cuộc phẫu thuật khó chuyển ngón 2 của chân trái lên làm ngón cái của bàn tay phải trước đó bị máy cưa cắt cụt cho anh Phạm Minh H. (20 tuổi). Sau 3 tuần phẫu thuật, bệnh nhân đã vận động gập duỗi nhẹ được đốt xa của ngón tay “mới” mảnh vạt da ghép đã sống. Các bác sĩ sẽ tiếp tục vật lý trị liệu để hoàn thiện chức năng của ngón cái mới cho người bệnh.
Để tăng cường khả năng can thiệp, điều trị cho lĩnh vực y học thể thao, Viện đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia đầu ngành của Đức xây dựng Trung tâm Y học Việt – Đức. Trung tâm sẽ là nơi tiếp nhận, can thiệp, phục hồi chức năng, điều trị triệt để các chấn thương liên quan đến thể thao. Với trình độ chuyên môn và các thiết bị hiện đại, đây sẽ là nơi tiếp nhận, điều trị tối ưu cho các cầu thủ, vận động viên chuyên nghiệp, không phải chuyển ra nước ngoài điều trị.
Để nâng cao trình độ chuyên môn của các bác sĩ, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Bệnh viện Quân y 175, TS.BS.CKII Trần Lê Đồng cho biết, ngày 25/5/2020 lần đầu tiên Hội nghị Khoa học Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng trong chấn thương với tinh thần “Tầm nhìn mới đỉnh cao mới” sẽ được tổ chức tại bệnh viện. Trong sự kiện, nhiều công trình khoa học, những tiến bộ mới của lĩnh vực khám, can thiệp, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân sẽ được công bố thông qua 18 báo cáo và 20 poster giới thiệu thành tựu nổi bật của chấn thương chỉnh hình.
TS.BS.CKII Trần Lê Đồng cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, đồng thời phát triển chuyên môn kỹ thuật hiện đại, dự kiến cuối năm 2020 Viện Chấn thương Chỉnh hình sẽ đưa robot phẫu thuật vào hoạt động. Trước mắt, robot sẽ được ứng dụng cho những cuộc mổ thay khớp háng, kế đến sẽ nhân rộng sang các kỹ thuật chuyên sâu khác để can thiệp, điều trị tối ưu cho các ca bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
Hội nghị khoa học “Chấn thương Chỉnh hình; Phục hồi Chức năng trong Chấn thương: Tầm nhìn mới, đỉnh cao mới”
Thời gian: 7h30 đến 17h30 - Ngày 25/05/2020
Địa điểm: Hội trường Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 - 786 Nguyễn Kiệm, Phường 3, Gò Vấp, Hồ Chí Minh
Trường Thịnh