Vừa chữa cho mình vừa trị cho người
Trải qua gần một thập niên nghiên cứu và tìm cách điều trị căn bệnh lao màng não, công trình còn đang dang dở thì vào một ngày bác sĩ Nguyễn Đức Bằng ngậm ngùi phát hiện chính bản thân anh cũng đang mắc phải căn bệnh được xem là sát thủ này.
BS Nguyễn Đức Bằng: "Bị bệnh rồi càng thương bệnh nhân hơn"
“Với những người điều trị các bệnh có tính chất truyền nhiễm như chúng tôi, bị phơi nhiễm hoặc thậm chí nhiễm bệnh do quá trình tiếp xúc với bệnh là khó tránh khỏi. Khi có bệnh rồi lại càng cảm nhận sâu sắc nỗi đau của các bệnh nhân”, bác sĩ Bằng chia sẻ câu chuyện bệnh tình của anh.
Giữa năm 2010, khi đang tham gia công trình nghiên cứu bệnh lao màng não ở trẻ em, tự dưng anh bị sốt cao, thân nhiệt có khi lên đến 40oC. Anh tưởng rằng mình bị sốt siêu vi, nhưng qua nhiều ngày bệnh vẫn không khỏi, lại kèm theo chứng mất ngủ triền miên, ăn không hết một chén cơm vào mỗi bữa, và đầu thì liên tục đau nhức. “Đầu nhức đến nỗi tôi hai tay ôm đầu, đứng dựa tường suốt đêm như vậy. Đến lúc đó thì tôi hết chịu nổi mới đi chọc dịch não tuỷ. Kết quả phát hiện trong dịch có chứa vi trùng lao: vậy là tôi nhiễm lao màng não. Không ai muốn đón nhận tin xấu đó, và tôi cũng vậy. Lúc đầu tôi cũng bị sốc, không ngờ bệnh lại tìm đến mình. Nhưng nghĩ lại cũng do mình: thời gian đó tôi làm việc rất nhiều, một ngày bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 1, 2 giờ khuya. Thiếu ngủ kéo sức khoẻ tôi đi xuống, hệ miễn dịch cũng kém, nên lúc nhiễm vi trùng lao, cơ thể không kháng lại nổi, thả xuôi theo bệnh”.
Bác sĩ đổi vai bệnh nhân
Khi mắc bệnh rồi, bác sĩ Bằng trở thành bệnh nhân như bao người nhiễm lao khác. Anh bị cách ly khỏi người thân, bạn bè. Suốt 3 tháng trời nằm điều trị tại bệnh viện, “Lúc đó tôi mới cảm nhận được hết nỗi buồn của một người mắc bệnh, dù đã biết rõ bệnh của mình không có tính lây nhiễm, chụp X-quang phổi và xét nghiệm đàm không có vi trùng, và bệnh cũng được phát hiện sớm. Nhưng, trong mắt những người bình thường thì mình vẫn là một bệnh nhân lao. Đi đến đâu, khi rời khỏi nơi đó, người ta đều mở toang cửa sổ, xịt thuốc khắp phòng để chống lây nhiễm. Bị bệnh mới biết, xã hội lên án chuyện cách ly, tách biệt về mặt tinh thần với người mắc bệnh truyền nhiễm, nhưng thái độ đó vẫn không thể bị xoá bỏ hết. Dù sao tôi cũng còn may mắn, khi biết tin mình bệnh, vợ con luôn ở bên cạnh động viên, chia sẻ”, anh ngậm ngùi kể lại những khoảng lặng của thời gian mang bệnh.
Với những bệnh nhân bị lao màng não, cái đau do bệnh hành hạ còn nhẹ nhàng hơn sự khó chịu khi dùng thuốc. Anh Bằng tâm sự, “Tháng đầu tiên điều trị mỗi ngày tôi phải uống hơn 20 viên thuốc, mười viên trị lao, số còn lại giúp ngừa di chứng. Thuốc điều trị lao gây nhiều phản ứng phụ. Tôi bị nổi mẩn ngứa, bị viêm thần kinh ngoại biên, đi đứng không vững, hay mất thăng bằng, tay chân cứ tê râm ran. Ngại nhất là ngủ đến giữa đêm về sáng thì tôi lại hay mê sảng, ú ớ miên man, làm cho giấc ngủ của vợ con mình chẳng khi nào trọn vẹn. Đó là cái khổ của bệnh nhân lao, ít ai tránh được những cơn hành từ thuốc, nhưng cũng phải cố gắng vượt qua. Vì không thuốc, bệnh còn tệ hại hơn, những di chứng như yếu nửa người, lác mắt, nói ngọng, liệt hai chi dưới còn đáng sợ hơn”.
Vừa chữa cho mình, vừa trị cho người
Điều trị đến tháng thứ ba, công việc không đợi chờ, bác sĩ Bằng đã trở lại làm việc ở phòng siêu âm của bệnh viện. Gặp anh tại bệnh viện, vẫn đôi chân đi như thoi, ánh mắt thì luôn đau đáu khi nhìn vào phim của bệnh nhân, và công việc thì chưa bao giờ ngưng khi trước cửa phòng khám bệnh nhân ngồi kín ghế.
“Tôi luôn ray rứt với những bệnh nhân vùng sâu, xa. Họ có bệnh mà chẳng chịu đến bệnh viện khám, đến lúc bệnh nặng mới hối hả như chạy lũ. Nhiều trường hợp tìm đến với giai đoạn quá muộn, có tìm mọi cách cũng chỉ là để cầm cự sự sống thêm ngày nào hay ngày đó mà thôi”, bác sĩ Bằng tâm sự.
Điều lo lắng nữa, số bệnh nhân lao màng não đến điều trị ngày càng đông, mặc dù đã tìm đến phác đồ điều trị tốt, nhưng bệnh vẫn có tỷ lệ tái phát. Một số vi trùng ở trạng thái ngủ, có thể thức dậy sau khi ngưng thuốc. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lao màng não rất cao. Đó là nỗi lo lớn cho những người làm trong lĩnh vực như bác sĩ Bằng. Hiện, anh và đồng nghiệp của mình vẫn đang dốc sức theo đuổi các công trình tìm đến những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân lao. “Quãng đường phía trước có lẽ còn dài, và trên mặt trận chống lao này, cả những bác sĩ như chúng tôi và bệnh nhân đều là những chiến sĩ. Tôi là một ngoại lệ, vừa diệt bệnh cho mình, vừa chữa trị cho người”.
Ngoài thuốc, yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng với bệnh nhân lao BS.CK1 Nguyễn Đức Bằng là trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Sau điều trị bệnh lao màng não, sức khoẻ anh đã dần cải thiện. Anh gửi đến bạn đọc những lời khuyên quý báu: “Ngoài thuốc, dinh dưỡng rất quan trọng với bệnh nhân lao. Họ nên chú ý ăn nhiều trái cây, thức ăn giàu đạm như trứng, cá, và đặc biệt phải uống nhiều sữa, cơ thể mới có đủ sức đề kháng, chống lại những phản ứng phụ từ thuốc, và giảm tỷ lệ tái phát bệnh. Giấc ngủ cũng rất quan trọng trong phòng bệnh, bạn cần ngủ đủ giấc, nếu hôm trước thức khuya, hôm sau nên ngủ muộn một chút để giấc ngủ được đầy. Chúng ta cũng cần sống trong một không gian thoáng, hạn chế sử dụng các chất kích thích để tránh mắc bệnh. Khi tiếp xúc với người bệnh, hoặc vào bệnh viện thăm bệnh, nên mang khẩu trang y tế, tránh lây nhiễm qua đường hô hấp”. |
Theo Nguyễn Cao
Sài Gòn tiếp thị