1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

VSATTP: May nhờ, rủi chịu

Mặc dù đây đang là thời điểm của “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)” (từ 15/4 đến 15/5/2007), thế nhưng ở một số nơi, đặc biệt là các quán ăn vỉa hè, hàng rong và bếp ăn tập thể, vấn đề VSATTP vẫn chưa vệ sinh, chưa an toàn…

Những điều trông thấy...

 

Khoảng 5h30, vợ chồng chị L. (hẻm 33 đường Trần Kế Xương, phường 3, quận Bình Thạnh) bắt đầu dọn hàng. Dăm bộ bàn ghế nhựa cũ kỹ và cáu bẩn được bày ra, một chiếc xe đẩy - phía dưới là nồi nước dùng, phía trên là cái tủ kính “be bé” để đựng mỳ, bún, hủ tiếu, thịt, rau… Hàng của chị được dọn ngay trên nắp một cái cống, mỗi khi có một cơn gió đi qua thế nào cũng để lại phía sau mùi hôi thối... đặc trưng.

 

Ấy vậy mà hàng của chị lúc nào cũng tấp nập người ăn, bởi một lý do đơn giản là rẻ. Một tô hủ tiếu, bún… chỉ có 5.000đ, trong khi các quán bên cạnh bán tới 7.000đ - 8.000đ. Thế nhưng nào ai biết được, thịt và xương chị Lan mua nấu đều là hàng “chợ chiều” với cái giá rẻ bèo. Song qua sự “phù phép” của chị thì thịt, xương dù có mùi hôi đến cỡ nào cũng trở nên thơm ngon…

 

Quán bánh cuốn trên đường Ngô Thời Nhiệm (phường 7, quận 3) của chị H. “béo” lúc nào cũng đông nghịt khách. Vì chỉ có 2 người làm, trong khi khách lên tới cả chục người cùng lúc nên chị phải vừa cắt bánh, vừa bưng bê. Có lúc chị vừa lau bàn với cái giẻ cáu bẩn xong, lại dùng tay xếp bánh vào đĩa cho khách. Còn chuyện bát đĩa thì khỏi bàn, chỉ với 1 xô nước hơn 10 lít mà chị rửa hàng trăm lượt chén, đĩa.

 

Biết là không an toàn, không vệ sinh, song người tiêu dùng vẫn cứ ăn. Chị Kim Anh, quận 3 tâm sự: “Đã có lần tôi ăn phải miếng thịt hôi, vừa bỏ vào miệng là phải ói ra ngay. Từ đó, mỗi khi ăn ở mấy quán vỉa hè, tôi luôn có cảm giác ghê ghê. Những quán cao cấp thì quá mắc, còn những quán thường thường thì nhìn phòng ăn có vẻ tươm tất chứ khi ra sau bếp cũng chẳng vệ sinh gì. Chén, đĩa vứt bừa bãi dưới lối đi, thức ăn dư thừa đổ tung tóe…”.

 

Ngay cả các bếp ăn trong trường học cũng đáng báo động về vấn đề VSATTP. Trong vai một phụ huynh đi xin học cho con, tôi đến Trường DL Đ.K (quận PN). Mặc dù phải nấu ăn tới 4 bữa/ngày cho vài trăm học sinh thế nhưng khu vực nhà bếp chỉ có một diện tích cực kỳ khiêm tốn là 10m2, trong đó có 4m2 là khu vực sơ chế. Theo quy định của ngành y tế thì thớt, dao thái đồ sống không được dùng để thái đồ chín, nhưng ở đây thì dùng chung; thậm chí nước rửa rau được dùng để rửa cá, rửa thịt… Chén, đĩa rửa xong thì được úp ngay lên một cái kệ trống hoác, trống huơ tha hồ cho gián và chuột “tung hoành”.

 

... đến 74 người bị ngộ độc thực phẩm/ngày

 

Theo báo cáo tổng kết của Sở Y tế TPHCM, năm 2006 cả thành phố có 24 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), trong khi đó năm 2001 chỉ có 9 vụ. Cũng trong năm 2006, số vụ NĐTP tập thể có từ 30 người trở lên là 12 vụ, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2006 cũng là năm có số người bị ngộ độc cao nhất, lên tới 2.685 người, trong đó có 4 người tử vong. Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi không phải ai bị NĐTP cũng đi bệnh viện nên các cơ quan chức năng khó có thể biết được.

 

Phân tích nguyên nhân khiến số vụ NĐTP tăng cao, Tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng: “Có hai nguyên nhân chính, đó là: giá thành bữa ăn thấp, tạo nên vùng trũng tiêu thụ thức ăn giá rẻ, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn; hai là, số lượng bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thức ăn trên địa bàn thành phố gia tăng về số lượng nhưng còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng được các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quận, huyện chưa quản lý được”…

 

Vậy làm sao để đảm bảo được vấn đề VSATTP? Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị với TP cần: phát triển nhân lực quản lý VSATTP ở các cấp; chỉ đạo các sở ngành tham gia thực hiện quản lý các nguồn thực phẩm quan trọng theo chuỗi; xây dựng và phát triển các khu thức ăn đường phố tập trung; đầu tư, nâng cấp, sắp xếp lại việc kinh doanh thực thực tại trên 400 chợ; tăng cường chỉ đạo sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm… Liệu những biện pháp này sẽ góp phần chuyển biến tình hình theo hướng tích cực?.

 

Theo Nguyễn Triều

Sài Gòn giải phóng