Virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam gồm 2 nhánh khác nhau

(Dân trí) - Virus SARS-CoV-2 phân lập trên mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân tại Việt Nam cho thấy có hai nhóm khác nhau: có nguồn gốc từ châu Á và từ châu Âu.

PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết Viện đã tiến hành phân tích các virus SARS-CoV-2 trên bệnh phẩm của các bệnh nhân. Kết quả cho thấy, virus gây bệnh tại Việt Nam gồm 2 nhóm khác hẳn nhau về vật liệu di truyền. Giai đoạn trước, các bệnh nhân là những người về từ châu Á. Trong khi đó, giai đoạn hiện nay, đại đa số lại là các bệnh nhân nhiễm virus có nguồn gốc từ châu Âu.

"Virus phân lập trên ca bệnh Covid-19 về từ châu Âu khác với virus gây bệnh tại châu Á", PGS Mai nói.

Việt Nam đã trải qua 2 đợt dịch. Trong đó giai đoạn 1, nước ta chỉ nhận 16 ca mắc, trong đó có 8 ca mắc là người trở về từ vùng dịch- khi đó là Trung Quốc và 8 ca lây tại cộng đồng từ những ca bệnh xâm nhập này.

Đợt dịch thứ 2 bắt đầu từ ngày 7/3, bệnh nhân số 17 trở về nước sau một thời gian du lịch ở châu Âu có đi qua Anh, Ý. Theo thống kê đến sáng 6/4, Việt Nam ghi nhận 241 ca mắc Covid-19. Trong đó có 150 người từ nước ngoài chiếm 62% (như từ Anh, Mỹ, Malaysia…), 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa.  

Về độc lực, mức độ lây nhiễm của nhóm virus nào cao hơn thì theo PGS Mai hiện chưa thể khẳng định. Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc virus lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2. Điều này cho phép nghiên cứu sâu hơn về độc lực của virus này.

Virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam gồm 2 nhánh khác nhau - 1
Virus corona mới được nuôi cấy và phân lập thành công trong phòng thí nghiệm tại Việt Nam.

Virus SARS-CoV-2 chưa thay đổi nhiều về độc lực và phương thức lây truyền

Theo nhiều chuyên gia, đặc tính của virus luôn biến đổi, đặc biệt là RNA. Khi một người nhiễm virus corona, nó sẽ nhân lên trong đường hô hấp. Mỗi lần như vậy khoảng nửa tá đột biến gene có thể xảy ra. Khi được truyền đến vật chủ, virus nào cũng sẽ có những đột biến nhỏ. Virus ở bệnh nhân A không thể giống hoàn toàn bệnh nhân B.

Điều này cũng đúng với virus corona mới. Vấn đề cần quan tâm là sự biến đổi của virus có ảnh hưởng đến bản chất của nó không ở đây là độc lực và yếu tố lây truyền (lây truyền nhanh hơn hay thay đổi về đường lây truyền). Nếu 2 đặc điểm này của virus không thay đổi thì coi như về dịch tễ học bản chất của virus không có gì khác.

Hiện nay, giới khoa học thế giới chưa nhận thấy virus này thay đổi nhiều về độc lực và phương thức lây truyền.

Trước đó, ngay từ ngày 11/3, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra thì virus SARS-CoV-2 đã có sự biến đổi về gene. Tại Italy khi đó đã xác định đồng thời có 4 biển chủng của virus SARS-CoV-2, khác với chủng của virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ghi nhận bệnh nhân số 17 từ Ý về Việt Nam và bệnh nhân số 20 lây nhiễm từ bệnh nhân số 17 có biểu hiện viêm phổi rõ nét (bao gồm viêm phổi kẽ), biểu hiện bệnh cũng nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh (có triệu chứng mờ nhạt).

Virus corona mới, ký hiệu bởi WHO là SARS-CoV-2 hay bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện và lây lan từ cuối năm 2019.

Đến 7h30, ngày 6/4, cả thế giới đã ghi nhận hơn một triệu ca mắc Covid-19 tại 208 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ hiện đứng đầu về số ca mắc với 336.673 ca bệnh, trong khi đó Ý dẫn đầu về số ca tử vong với 15.887 người thiệt mạng vì Covid-19.

Với 241 ca mắc, Việt Nam hiện đứng thứ 97 về số ca mắc, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. 

 

Nam Phương