1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam sẽ chủ động sản xuất được vắc xin lở mồm long móng

(Dân trí) - “Năm 2018, Việt Nam sẽ tự chủ sản xuất vắc-xin lở mồm long móng trên gia súc” là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết tại Lễ công bố và chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vắc-xin diễn ra chiều 11/12 tại Hà Nội.

Toàn cảnh lễ công bố.
Toàn cảnh lễ công bố.

Tại Lễ công bố, đại diện Chi cục Thú y vùng VI - đơn vị phân lập giống vi rút lở mồm long móng để thương mại hóa việc sản xuất vắc-xin cho biết, sau nhiều giai đoạn nghiên cứu, đảm bảo các tiêu chí khoa học, kỹ thuật, Chi cục đã chọn ra 3 vi rút có khả năng phát triển thành vắc xin rồi chọn 1 mẫu vi rút lở mồm long móng tuýp Ô, với tên gọi là "RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia" đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để sản xuất vắc xin theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới(OIE).

Đại diện các doanh nghiệp tham gia sản xuất vắc-xin cam kết, để đảm bảo kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn, đưa được vào thị trường và có chỗ đứng vững chắc, các doanh nghiệp cần tự thân vận động và không ngừng cải tiến chất lượng, giảm giá thành để có sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, nhà nước cần tạo mọi điều kiện và ưu tiên đẩy nhanh hơn nữa quá trình kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vắc xin lở mồm long móng.

Song song với quá trình khảo nghiệm, cho phép đưa vắc xin vào một số địa phương để đánh giá chất lượng vắc xin trên diện rộng với sự giám sát của các đơn vị trực thuộc Cục Thú y. Xây dựng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào các chương trình quốc gia phòng chống dịch bệnh thông qua cơ chế đặt hàng hoặc chỉ định thầu nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhận định, việc cơ quan Thú y vùng 6 phân lập được vắc xin lở mồm long móng để sản xuất vắc-xin thương phẩm là thành tựu hết sức quan trọng về khoa học cũng như thực tiễn bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam tự phân lập và lựa chọn được giống vắc xin từ đó thương mại hóa việc sản xuất vắc-xin đi đến tự chủ trong việc sản xuất và khống chế bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Ký kết chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng.
Ký kết chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng.

Cũng theo Thứ trưởng Tám, Việt Nam có nền chăn nuôi phát triển và đã chủ động được nhiều loại vắc xin nhưng duy nhất vắc-xin lở mồm long móng và vắc xin phòng chống bệnh dại là phụ thuộc vào nhập khẩu. Cản trở vừa qua ngành chăn nuôi trong xuất khẩu là việc chưa khống chế được dịch lở mồm long móng trên gia súc do chưa chủ động được nguồn vắc-xin, trong khi việc nhập khẩu vắc-xin khiến giá thành ngành chăn nuôi tăng cao dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu đổi với các sản phẩm chăn nuôi cùng loại nhập khẩu của các nước….

Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Đây là bước đột phá để chủ động sản xuất vắc xin tuýp Ô từ quý 1 năm 2018. Với công suất của 3 công ty có thể sản xuất được 60 triệu liều như vậy năm 2018 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, thậm chí còn xuất khẩu. Điều quan trọng là khi đã sản xuất được vắc xin thương phẩm lở mồm long móng tuýp Ô, trong tương lai gần có thể tiếp tục nghiên cứu sản xuất “vắc xin đa giá” tuýp A, và ASEAN, nhị giá và tam giá. Các loại lở mồm long móng trong tương lai gần bằng phương pháp này chúng ta có thể chủ động khống chế hoàn hoàn.

Bệnh lở mồm long móng trên gia súc là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có mức độ lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh lở mồm long móng trên gia súc phải báo cáo khi có dịch xảy ra ở mỗi quốc gia và là đối tượng kiểm dịch vận chuyển trong tiêu thụ và xuất khẩu của các nước. Để phòng bệnh, việc sử dụng vắc-xin là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.

Nguyễn Dương