Việt Nam sẵn sàng học hỏi thế giới ghép đầu người

(Dân trí) - GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc TT Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết, trong năm 2017 dự kiến thế giới sẽ ghép đầu người. Việt Nam hiện cũng đang từng bước chuẩn bị nhân lực, sẵn sàng tham gia học hỏi kỹ thuật nàyi từ các chuyên gia Mỹ, Ý.

Ngày 12/11, tại buổi sinh hoạt cộng đồng về hiến, ghép tạng, GS Sơn cho biết, hiện nay các kỹ thuật ghép tạng tim, gan, thận, giác mạc, ghép tụy... Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn với tỷ lệ thành công rất cao. Vì thế, tiến tới Việt Nam sẽ ghép khối phổi và sắp tới, khi thế giới dự kiến ghép đầu người vào năm 2017, Việt Nam cũng đang có sự chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng học hỏi kỹ thuật này.

Các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện một ca ghép tạng.
Các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện một ca ghép tạng.

Theo đó, hiện đã có hơn 150 bác sỹ và điều dưỡng sẽ được đào tạo trong 2 năm với các kỹ thuật ghép đầu, chăm sóc sau ghép một cách thuần thục và phối hợp nhịp nhàng.

Theo các chuyên gia trên thế giới, một ca phẫu thuật ghép đầu người dự kiến kèo dài 2 ngày. Quy trình phẫu thuật gồm: đầu làm lạnh, cắt đầu của người hiến bằng lưỡi dao kim cương, bảo vệ đầu bằng bơm ô xy liên tục lên não qua ống silicon; Cắt đầu người nhận trên thân não để tim vẫn đập và nuôi cơ thể. Khi bắt đầu ghép thì nối dây thần kinh tủy sống, kết nối cột sống, nối mạch máu, cơ, da… sau đó theo dõi và săn sóc sau ghép.

BS Sơn cho biết, Việt Nam đã lên kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng bác sĩ, điều dưỡng trong việc ghép đầu. Khi ca phẫu thuật đầu tiên ghép đầu trên thế giới thành công, Việt Nam sẽ mời chuyên gia của Ý hoặc Mỹ chia sẻ về một kỹ thuật khó mà bất cứ chuyên gia ghép tạng nào cũng mong muốn học hỏi.

Trước đó, vào năm 2013, Sergio Canavero - một phẫu thuật viên người Ý đã đề xuất ghép đầu người. Năm 2015, phẫu thuật viên này đã đề xuất làm mất đầu, bảo quản tủy bằng quy trình GEMINI, sử dụng PEG và kích thích điện. Vị này cũng sẽ công bố ca ghép đầu thực hiện vào năm 2017. Những người ủng hộ việc ghép đầu cho rằng ghép đầu một ngày nào đó sẽ đem lại sự bất tử, nhiều nhà tài trợ cho dự án, nhiều phẫu thuật viên sẵn sàng tham gia. Hiện nay, Valeri Spiridonow, 30 tuổi, người Nga đã đồng ý hiến đầu.

Một công bố trên tạp chí CNS Neuruscience and Therapentics vào tháng 12/2014 cho biết, TS Xiaoping Ren, Trường Đại học Y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đã cấy ghép đầu gần 1.000 con chuột, sống lâu nhất trong một ngày, sau ghép kiểm soát được nhịp tim và thở.

Bên cạnh viện chuẩn bị học hỏi các kỹ thuật mới, hiện các Trung tâm ghép tạng của Việt Nam vẫn đang thực hiện thường quy các kỹ thuật ghép tạng như ghép tim, gan, thận, giác mạc, ghép tụy... Tuy nhiên nhu cầu ghép tạng của Việt Nam rất lớn (Hiện cả nước có khoảng 6.000 người bị bệnh suy thận mạn tính cần được ghép; Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; Hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi…) nhưng số người hiến tạng chết não rất hiếm.

Trong tổng số 1.200 ca ghép thận, 38 ca ghép gan, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc thì phần lớn nguồn cho là người sống, trong khi tại nước ngoài, 90% tạng ghép từ người cho chết não.

Mới đây, tại ngày hội vận động hiến tạng, Việt Nam đã xác nhận kỉ lục 1.400 người đăng kí tham gia hiến tạng khi có rủi ro về sức khỏe, chết não. Các bác sĩ hy vọng phong trào đăng ký hiến tạng sẽ ngày càng sâu rộng để nhiều người đăng ký hiến tạng khi chết não. Bởi một người không may chết não vì tai nạn có thể cứu sống 8 - 10 người nếu hiến tạng.

Tú Anh