Việt Nam không “thả nổi” để có miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19
(Dân trí) - Theo nhiều chuyên gia ý tưởng về thả nổi dịch Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng, để bảo vệ gián tiếp chỉ là lý thuyết. Về thực hành, không ai chọn cách làm này vì như vậy là “chấp nhận hy sinh”.
Mới đây truyền thông dẫn lời ông Patrick Vallance, cố vấn cao cấp nhất về khoa học của Chính phủ Anh về “ý tưởng miễn dịch cộng đồng”, rằng cần 60% người Anh bị nhiễm virus corona mới để có miễn dịch cộng đồng. Nhiều người hiểu rằng điều này ám chỉ Anh sẽ thả nổi dịch lây lan trên diện rộng. Điều này ngay lập tức dấy lên tranh luận trong giới khoa học trên thế giới và Việt Nam.
Miễn dịch cộng đồng hay herd immunity là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm diễn ra khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với một loại vi khuẩn lây nhiễm. Từ đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch, chưa bị nhiễm.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho rằng ý tưởng về miễn dịch cộng đồng chỉ là quan điểm của một cá nhân. Thực tế, hiện Chính phủ Anh đã quyết định sẽ cách ly toàn bộ người già để bảo vệ họ. Đấy là đối tượng nguy cơ cao diễn biến nặng khi nhiễm Covid-19.
Theo GS Kính hiểu một cách nôm na tạo miễn dịch cộng đồng là để cho dịch lan tràn, để cả cộng đồng nhiễm bệnh, người sống sót sẽ có miễn dịch. Với cách thức này, nếu để tạo "miễn dịch cộng đồng", Anh sẽ phải chấp nhận hy sinh 12 triệu người thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
“Tạo miễn dịch cộng đồng chỉ là cách nói về mặt lý thuyết, thực tế không ai làm như thế. Vì chọn cách này là chấp nhận hy sinh, ai sẽ là người hy sinh?”, GS Kính nhấn mạnh.
“Việt Nam để đạt được miễn dịch cộng đồng thì có lẽ số người mất vì dịch bệnh sẽ rất lớn. Vì thế, Việt Nam không đi theo con đường như thế”, GS Kính cho biết thêm.
Chung quan điểm này PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định: “Quan điểm của Việt Nam là không thả nổi. Dịch sẽ diễn biến phức tạp nhưng chiến lược của chúng ta vẫn là phát hiện sớm, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly kịp thời”.
Phương châm của Việt Nam là phát hiện ổ dịch đến đâu quây gọn đến đó. “Sắp tới dù không có các ca bùng phát ở máy bay về nữa mà bùng ở các bệnh viện, cộng đồng thì chúng cũng quây lại để chống lây lan. Chúng ta thực hiện biện pháp cách ly chặt chẽ, không như một số nước. Hiện nay như Italy đã phải phong tỏa, cách ly cả nước”, PGS Phu nói.
Theo ông, Trung Quốc đã khống chế dịch thành công là vì thực hiện đúng theo quan điểm này. Việt Nam cũng đã áp dụng các biện pháp này từ trước.
Việt Nam làm mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch lan ra
Một chuyên gia về dịch tễ tại TP HCM cũng nhấn mạnh rằng: “Với các vấn đề liên quan đến y tế, sức khỏe thì phải có kiểm soát, không thể mang con người ra làm thử nghiệm. Liên quan đến tính mạng con người thì phải có các biện pháp kiểm soát để hạn chế thấp nhất hậu quả. Nếu để cho lây lan ra thì cực kỳ nguy hiểm”.
Theo ông, có lẽ nhiều người chưa hiểu hết ý của chuyên gia người Anh. Có thể họ dự báo khả năng dịch sẽ lây lan trong cộng đồng, khi đó cần có biện pháp kiểm soát vì lúc này khả năng lây lan rất lớn. Họ có thể tính đến khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị nên muốn trì hoãn thời điểm dịch lên đỉnh.
“Anh hiện bị chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp ngăn chặn chứ không phải thả nổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Chiến lược của Việt Nam hiện đi bằng ‘2 chân’, trong đó làm mạnh việc ngăn chặn, trong khi Anh và nhiều nước chọn cách giảm thiểu tác hại- cách ly 4 tháng với đối tượng nguy cơ cao (người già)”, chuyên gia trên phân tích.
Theo ông công tác chống dịch của Trung Quốc là một bài học. Và Việt Nam hiện làm rất tốt, huy động cả hệ thống tham gia chống dịch, ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời.
Trong nhiều cuộc họp gần đây, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên trì, kiên định áp dụng các chiến lược phòng chống dịch đã đề ra và đẩy mạnh ở phức độ cao hơn”.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại UB Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 11/3, thứ trưởng Long cũng cho biết Việt Nam không thể “chủ động cho Covid-19 lan truyền” để nhanh chóng tạo miễn dịch trong cộng đồng vì không thể ứng phó nếu số ca bệnh tăng vọt…
“Chỉ có kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan, phát tán của bệnh càng tốt, thì mới chống dịch thành công”, Thứ tưởng Long nói.
Để kịp thời ngăn chặn các chuyến bay có người dương tính với Covid-19, Việt Nam sẽ tiến hành ngăn chặn ngay từ cửa khẩu- xét nghiệm ngay (người đến từ châu Âu, Mỹ…), cách ly tập trung những người đến từ khối Schengen, Anh, Bắc Ai-len, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran. Với các tỉnh biên giới phía Bắc, Việt Nam chưa có lệnh nới lỏng các biện pháp.
Bộ Y tế Anh cho rằng bình luận của ông Patrick đã bị hiểu sai. Trả lời Sky News hôm 15/3, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuyên bố không dùng chiến lược “miễn dịch cộng đồng” để chống Covid-19. Một trong những chiến lược mà Anh chuẩn bị làm là sẽ cách ly người cao tuổi trong nhiều tuần và cưỡng chế cách ly với người bị nhiễm virus corona mới (Covid-19). Những người trên 70 tuổi sẽ tự cách ly tối đa 4 tháng nhằm loại bỏ rủi ro bị mắc và lây nhiễm Covid-19. Quan chức này cho hay thông báo về lệnh này sẽ được công bố trong “vài tuần tới”.
Nam Phương