1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam khống chế thành công tỉ số giới tính khi sinh

(Dân trí) - Tại thời điểm ngày 1/4/2019, tỉ số giới tính khi sinh trên cả nước là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, kết quả được Bộ Y tế tổng hợp từ các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/12/2019, con số này là 108 bé trai/ 100 bé gái.

Ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: "Nếu so kế hoạch đặt ra là 114 bé trai/100 bé gái thì đến nay, Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu khống chế tỉ số giới tính khi sinh".

Trước đó, tại thời điểm ngày 1/4/2019, tỉ số giới tính khi sinh trên cả nước là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, kết quả được Bộ Y tế tổng hợp từ các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/12/2019 tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh đã giảm xuống là 108 bé trai/ 100 bé gái. 

Việt Nam khống chế thành công tỉ số giới tính khi sinh - 1

Tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh đã giảm xuống là 108 bé trai/ 100 bé gái

Theo các chuyên gia, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước nhưng lại tăng rất nhanh. Năm 2006, tỷ lệ này là 109 bé trai trên 100 bé gái. Đến năm 2013 đã là 113 bé trai trên 100 bé gái và đến 2018 có 114,5 bé trai. 

Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính này vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng như hiện nay thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 triệu - 4,3 triệu đàn ông. Bài học này có thể nhìn thấy rõ ở nhiều nước láng giềng như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…

Hiện tượng "xuất khẩu" cô dâu ở Việt Nam gần đây đến một số quốc gia châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của tình trạng thừa nam thiếu nữ.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới khi sinh là tập quán ưa thích con trai theo truyền thống Nho giáo để có con nối dõi, lạm dụng kỹ thuật y học tiến tiến để lựa chọn giới tính khi sinh, chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, bố mẹ khi về già. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do hạn chế mức sinh.

Để giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần sự vào cuộc của cả hệ thống. Tuyên truyền vận động làm thay đổi giá trị về bình đẳng giới, làm thế nào coi con trai cũng như con gái, coi phụ nữ cũng như đàn ông trong mọi mặt xã hội để không lựa chọn giới tính khi sinh… Về lâu dài cần nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm giá trị bình đẳng giới ngày càng cao.

"Tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh đã giảm xuống là 108 bé trai/ 100 bé gái, hoàn thành chỉ tiêu khống chế tỉ số giới tính khi sinh là một tín hiệu mừng", ông Nghị nói.

Cũng trong năm 2019, theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam đã tăng thêm 1,5 triệu người so năm 2018. Hiện dân số nước ta là 96,2 triệu người, trong đó nam chiếm 49,8% và nữ chiếm 50,2%.

Cũng theo kết quả điều tra này, tổng tỉ suất sinh cả nước năm 2019 là 2,09 con. Đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04 con, năm 2018 là 2,05 con). Tuy nhiên, hiện mức sinh rất khác biệt giữa các vùng miền, khu vực. Vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, như TP HCM (trung bình 1,39 con), Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con), Cà Mau (1,62 con), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)... Trong khi đó, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên lại đối mặt với tỉ suất sinh cao. Hà Tĩnh là địa phương có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).

Hồng Hải