Việt Nam có tỷ lệ người mắc ung thư phổi đứng thứ 56 thế giới

Ung thư phổi đứng hàng thứ 2 về tỉ lệ tử vong tại Việt Nam và hiện đang xếp vị trí 56 trên thế giới.

Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình "Vì lá phổi khỏe" của Bộ Y tế cho ung thư phổi vừa diễn ra, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ung thư phổi là ung thư phổ biến hàng đầu thế giới, đứng thứ 2 tại Việt Nam sau ung thư gan.  

Theo Tổ chức ung thư thế giới, ung thư phổi tại Việt Nam hiện xếp vị trí 56/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có dữ liệu về ung thư với tỉ lệ 21,7 người mắc/100.000 dân. Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, ung thư phổi Việt Nam nằm ở top đầu.

Việt Nam có tỷ lệ người mắc ung thư phổi đứng thứ 56 thế giới - 1

Ung thư phổi tại Việt Nam xếp thứ 56 thế giới. Ảnh: GCO

Năm 2018, Việt Nam ghi nhận hơn 33.600 ca mắc mới và gần 21.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong khi mắc ung thư phổi tại nước ta lớn do hầu hết bệnh nhân đều đến viện ở giai đoạn muộn, điều trị gặp nhiều khó khăn và tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho bệnh nhân.

Các nghiên cứu chỉ rõ, nam giới có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nữ do thường xuyên hút thuốc lá. Người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 10-30 lần so với người không hút. 90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá.

Tuy nhiên, người hít phải khói thuốc thụ động cũng chịu tác hại không kém, thậm chí đứng xa 10 m vẫn bị ảnh hưởng. Nghiên cứu của WHO cho thấy, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.

Hiện Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với 22.5% người trưởng thành sử dụng thuốc lá, tương đương hơn 21 triệu người, ngoài ra tỉ lệ hút thuốc thụ động trong nhà là hơn 53%. Tỉ lệ này ở nơi làm việc là gần 37%, trường học là 16%.

Ung thư phổi được xếp vào nhóm khó chẩn đoán, điều trị khó khăn, do vậy trong 3 năm tới, chương trình "Vì lá phổi khỏe" sẽ tập trung phát triển chiến lược chẩn đoán sớm ung thư phổi, cập nhật các phác đồ điều trị tiên tiến và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Đặc biệt, chương trình sẽ xây dựng trung tâm thực hành lâm sàng đạt chuẩn trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi.

Ngoài ung thư phổi, chương trình cũng tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị và chăm sóc với các bệnh nhân bị hen và phổi tắc nghẽn mãn tính. Tỉ lệ dân số Việt Nam mắc 2 bệnh này chiếm hơn 4%. Trong 3 năm qua, đã có hơn 100.000 bệnh nhân mắc 2 bệnh trên được quản lý và hỗ trợ điều trị.