1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Viêm răng ảnh hưởng đến gan, thận...

(Dân trí) - Độ flour trong nước quá thấp, đội ngũ bác sĩ nha khoa ở tuyến huyện, tỉnh hầu như “trắng” cộng thêm ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng chưa cao đã dẫn đến tình trạng số người mắc bệnh về răng miệng ở nước ta thuộc loại cao nhất trên thế giới - TS Trịnh Đình Hải Phó Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt cho biết.

95% người dân mắc bệnh răng miệng

 

Kết quả điều tra của Viện Răng Hàm Mặt cho thấy, nếu ở độ tuổi từ 6-8 tuổi tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn là  25%  thì đến lứa tuổi 15- 17, con số này đã ở mức 65% và đến lứa tuổi trên 45, số người bị sâu răng “đạt” 90%.

 

Các bệnh liên quan đến răng miệng còn đáng báo động hơn: Tỷ lệ mắc các bệnh về viêm lợi, viêm quanh răng ở  trẻ em là 47,2% thì đến lứa tuổi 15-17 tỷ lệ này  lên đến 85,5% và ở lứa tuổi trên 45 số người có bệnh quanh răng là 96,7%, (trong đó có 31,8% người có túi lợi nông, sâu).

 

Vì sao chúng ta lại có tỷ lệ người mắc bệnh về răng miệng cao đến như vậy? Theo TS Hải, ngoài những yếu tố khách quan như: độ flour trong nước quá thấp (0,4ppm- chỉ bằng một nửa tiêu chuẩn quốc tế), thiếu bác sĩ nha khoa, thì yếu tố quan trọng nhất là ý thức giữ vệ sinh răng miệng rất kém của người dân, đặc biệt là ở các vùng ngoại ô.

 

Có trên 50% người dân chưa bao giờ đi khám răng, miệng. Rất ít người (kể cả người dân sống  tại các thành phố lớn) đi khám theo định kỳ 2lần/ năm.

 

Trong khi đó, khoang miệng chính là cửa ngõ để đưa các vi khuẩn vào xâm nhập cơ thể. Ngoài ra, các bệnh về răng miệng còn làm ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể như gan, thận, thần kinh, nhiễm trùng máu...

 

Những bệnh thường gặp

 

Sâu răng: Gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2 đến 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm (hoặc có khi 2 năm) đầu bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. (Ở giai đoạn này chỉ có bác sĩ mới biết răng bạn có bị sâu hay không).

 

Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng mới thấy đau với cường độ nhẹ, đặc biệt là khi ăn thức ăn nóng hoặc lạnh. Nếu vẫn tiếp tục để bệnh phát triển mà không điều trị, tuỷ răng sẽ chết và từ bệnh sâu răng và viêm tuỷ răng sẽ phát sinh ra các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch...

 

Nhiễm trùng: Khi bị sâu răng hoặc răng khôn – (răng số 8) mọc lệch, kẹt, lại thêm vệ sinh răng miệng không kỹ, vi khuẩn yếm khí staphylococci sẽ gây viêm mủ, sưng chân răng, huỷ hoại. Tai biến nặng nhất là nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến tử vong.

 

Viêm nha chu: Những mảng bám quanh cổ răng chứa hỗn hợp thức ăn, muối khoáng và vi khuẩn, lâu ngày cứng lại thành vôi. Vôi răng sẽ kích thích nướu gây sưng đỏ, chảy máu, có mủ, phá hủy xương quanh răng và mô nang đỡ răng, làm răng lung lay, có khi rụng cả hàm. Đặc biệt, bệnh này gây đau nhức khi nướu có mủ.

 

Nước súc miệng không phải là tất cả

 

Cũng theo TS Hải, hiện nay trên thị trường có quá nhiều thông tin quảng cáo đã khuếch đại lên giá trị thực sự của nước súc miệng, nó khiến nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần đánh răng qua loa rồi sau đó dùng nước súc miệng là được. Sự thật không đúng như thế, nước súc miệng chỉ có tính chất sát khuẩn chứ không thể loại bỏ các mảng bám răng, nguyên nhân chính gây ra sâu răng và viêm lợi.

 

Khi súc miệng nước muối, chỉ nên dùng loại muối tinh khiết và pha nhạt (nước muối mặn sẽ gây viêm loét các vết thương ở khoang miệng). Việc chải răng ngay sau đi ăn và chải đúng cách là hai yếu tố rất quan trọng giúp ngăn ngừa các bệnh về răng miệng.

 

Dưới đây là lời khuyên của các nha sĩ nhằm giúp bạn bảo vệ răng miệng

 

- Giữ vệ sinh răng miệng, chải răng sau mỗi bữa ăn và tối trước khi đi ngủ.

 

-  Chải răng theo đúng phương pháp: Chải đúng góc độ. Mặt ngoài. Mặt nhai. Mặt trong.

 

- Ăn uống các chất cần thiết để bồi bổ răng: trái cây, các sản phẩm từ sữa...

 

-  Khám răng định kỳ, 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh sâu răng.

 

Phạm Thanh