Vị thuốc, bài thuốc từ dư phẩm hải sản
Khi ăn các loại hải sản, ta thường vứt bỏ những bộ phận tưởng chừng không có tác dụng gì như mai mực, mang cua biển, vỏ ốc... Nhưng những chất dư phẩm đó lại là vị thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.
Mai mực
Mai mực được lấy từ con cá mực mai. Chỉ dùng những mai dày, màu trắng như phấn, không gãy vỡ. Loại màu vàng hoặc thâm đen là kém phẩm chất. Thành phần hóa học của mai mực gồm các muối calci, các chất hữu cơ và chất keo.
Trong y học cổ truyền, mai mực có tên thuốc là ô tặc cốt hay hải phiêu tiêu, có vị mặn chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng cầm máu, giảm đau, làm se chống loét.
Chữa ho ra máu, băng huyết, trẻ em chậm lớn: Ngày uống 4-8g bột mai mực có thể đến 12g.
Chữa đại tiện ra máu: Mai mực nướng vàng, tán bột, mỗi lần uống 4-8g với nước sắc cây mộc tặc.
Chữa đau loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo: Mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bôi mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn khoảng nửa giờ.
Chữa cam tẩu mã, loét mũi, viêm tai chảy nước: Mai mực, hoàng liên, thanh đại, hồng đơn, tế tân, ngũ bội tử, nhân trung bạch, mỗi thứ 12g, phèn phi 8g; mai hoa 4g. Từng thứ sao riêng trừ hồng đơn, mai hoa, thanh đại, rồi tán nhỏ mịn, trộn đều. Khi dùng, rắc bột lên vết thương, vết loét.
Chữa viêm tai có mủ: Lấy bột mai mực rắc hoặc dùng tăm bông sạch thấm thuốc ngoáy vào tai.
Mang và mai cua biển
Mang cua biển là lớp xốp hình vảy dài phủ lên mình cua, nằm dưới mai, gỡ khỏi mình cua biển.
Chữa chứng đái dầm: Mang cua biển rửa sạch lấy 20-30g, luộc chín cho trẻ ăn đều đặn hàng ngày. Dùng liền 15-30 ngày.
Chữa chứng đau bụng ở phụ nữ sau khi đẻ: Mai cua biển 1 cái, đập vỡ vụn, sao tồn tính, tán bột, uống với rượu hâm nóng làm 2-3 lần trong ngày.
Chữa sưng tấy: Lấy mai cua biển 5 cái phối hợp với xuyên sơn giáp 10g, gai bồ kết 7 cái. Tất cả sao vàng, tán nhỏ, rây bột mịn, uống trong ngày với rượu hâm nóng.
Vỏ ốc khổng
Được lấy từ ốc chín lỗ hay cửu khẩu, bào ngư. Ốc khổng bắt về rửa sạch cát và rêu bám ở ngoài vỏ, rồi rửa lại bằng nước muối sau đó cạy vỏ lấy thịt để riêng rồi phơi khô. Dược liệu có tên thuốc là thạch quyết minh, có vị mặn, tính bình, không độc, có tác dụng bổ gan thận, thanh nhiệt, làm sáng mắt.
Chủ trị chóng mặt, hoa mắt, thong manh, mắt mờ có màng mộng, thị lực kém. Liều dùng hàng ngày là 4-8g dưới dạng thuốc bột hoặc 15-30g dưới dạng thuốc sắc. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa đau mắt, sợ chói: Vỏ ốc khổng, cúc hoa vàng và cam thảo (lượng bằng nhau) phơi khô, tán bột, ngày dùng 4g chiêu với nước ấm, có thể dùng dạng thuốc sắc uống.
Chữa đau mắt đỏ, mắt kéo màng, đau nhói về tối: Vỏ ốc khổng nung thành vôi, cỏ tháp bút (mộc tặc) sao khô. Hai thứ lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g với nước thang có 3 lát gừng và một quả táo, rồi ăn cả bã.
Chữa quáng gà: Vỏ ốc khổng, sơn thù, sơn dược, mỗi thứ 16g, cúc hoa, bạch truật lê, kỷ tử, đơn bì, bạch thược, phục linh, trạch tả, thục địa, mỗi thứ 12g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn trộn với mật làm thành viên. Mỗi ngày uống 20g chia làm 2 lần.
Vỏ hàu tên thuốc là mẫu lệ. Sau khi lấy thịt, đem vỏ hàu chế biến như sau: Cho vỏ vào nồi cùng với cát, trát kín nung khoảng 12 giờ đến khi vỏ có màu xanh nhạt và bóp vụn ra là được.
Có thể nung khô hoặc tẩm dấm, rồi tán thành bột mịn mà dùng. Vỏ hàu chứa calci với hàm lượng cao dưới dạng muối carbonat, phosphat và sulphat, magiê, sắt, nhôm và chất hữu cơ, có vị mặn, chát, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, giải độc, lợi tiểu, trừ nóng khát, hư tổn, chữa di tinh, bạch đới, đái dắt, đau dạ dày, băng huyết.
Chữa mộng tinh, di tinh: Vỏ hàu đã chế biến 50g, lộc giác sương 50g. Trộn đều tán nhỏ, uống mỗi ngày 8-16g với nước sắc dây tơ hồng 30g.
Chữa khí hư: Vỏ hàu 40g, phèn chua phi 40g, tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em), phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi lần uống 4g.
Chữa đau dạ dày, ợ chua: Bột vỏ hàu 8g, bột cam thảo 8g. Trộn đều, uống với nước ấm, dùng nhiều ngày.
Chữa đái rắt, đái són: Bột vỏ hàu 40g, nhồi vào bong bóng lợn rồi nấu nhừ. Bỏ bột vỏ hàu, thái nhỏ bong bóng, ăn trong ngày.
Kinh nghiệm dân gian còn dùng bột vỏ hàu uống với nước ấm, mỗi ngày 8g để chữa mồ hôi trộm, chứng nổi hạch.
Vỏ ngao mật
Được lấy từ con ngao mật, được chế biến như sau: Cho vỏ vào nước, nấu trong khoảng 5-6 giờ, rồi phơi khô. Khi dùng để nguyên hoặc tẩm dấm (tỷ lệ 1kg vỏ ngao cần 100ml dấm) hoặc tẩm đồng tiện rồi sao vàng, tán thành bột mịn.
Dược liệu có tên thuốc là văn cáp, cáp xác hay hải cáp phấn, có vị mặn, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp hóa đàm, chữa phiền nhiệt, đau họng, ho tức, ho đờm, bằng lâu, tràng nhạc, trĩ. Liều dùng hàng ngày 12-20g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột để uống. Bột vỏ ngao 15g mỗi lần uống với rượu hâm nóng còn chữa được chứng đau bụng ở phụ nữ sau đẻ.
Theo TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bich
Sức khỏe & Đời sống