Vì sao không giữ được thai?

Thai có thể không giữ được xảy ra trong suốt quá trình mang thai. Chuyên môn gọi là sẩy thai hay sinh non, tuỳ tuổi thai nhỏ hay lớn hơn năm tháng. Nguyên nhân, tiên lượng cho bà mẹ và em bé, cũng như cách xử trí trong hai tình huống này có nhiều điểm khác nhau.

 
Vì sao không giữ được thai? - 1
80% trường hợp sẩy thai trong 3 tháng đầu là do bất thường NST

Không phải té ngã là sẩy thai

 

Tiểu thuyết hay phim ảnh khi đề cập những chuyện có liên quan đến sẩy thai, sinh non thường hay dùng những hình ảnh như sẩy chân, trượt ngã, cú va chạm hay xô đẩy… Nhóm nguyên nhân này được xem do tai nạn trong sinh hoạt thường ngày và cũng là nguyên nhân thật sự có thể đưa đến sẩy thai hay sinh non.

 

Tuy nhiên sẩy thai hay sinh non bởi nhóm nguyên nhân trên lại không cao. Và cũng không phải cứ trượt chân, té ngã là chắc chắn sẽ sẩy thai. Nói điều này nhằm nhắc nhở các thai phụ thận trọng, có hướng sắp xếp vật dụng và công việc nhằm đề phòng các nguy cơ đưa đến té ngã, nhưng cũng đừng quá lo sợ mà hạn chế trong sinh hoạt và lao động, cũng như không quá lo lắng khi lỡ xảy ra sự cố.

 

Trên thực tế, những phụ nữ lao động vẫn có thể duy trì công việc của mình trong suốt thai kỳ. Thường, nếu các sự cố có ảnh hưởng, sẽ gây ra đau trằn bụng hay ra máu âm đạo sau khi có sự cố, trong vòng 24 giờ đầu. Sau thời gian này, nếu không có các dấu hiệu đã nói, hầu như có thể an tâm về ảnh hưởng của sự cố.

 

Đa số trường hợp có thể điều chỉnh bằng nghỉ ngơi và thuốc giảm gò. Nghỉ ngơi phải là nghỉ ngơi tuyệt đối, nghĩa là ở nhà, tránh vận động đi lại chứ không phải nghỉ không đi làm, không làm việc nặng, rồi ở nhà thu xếp công việc nội trợ. Thuốc giảm gò là những thuốc khống chế cơn gò tử cung khi thai to hơn năm tháng hay thuốc làm giảm bớt cơn đau bụng do co thắt khi tuổi thai nhỏ hơn. Cũng có thể cho thêm thuốc an thần nhằm ổn định tâm lý của thai phụ. Một số nhỏ trường hợp trong nhóm này có thể dẫn đến tình trạng nặng nề hơn như nhau bong non, ra máu ồ ạt hay vỡ tử cung (thường khi thai lớn, một số bệnh lý đặc biệt của bà mẹ hay chấn thương quá nghiêm trọng).

 

Hậu quả nạo phá thai nhiều lần

 

Một nguyên nhân khác có thể gặp ở những trường hợp sinh non hay sẩy thai to (thai hơn ba tháng) là hở eo tử cung (từ đúng nên gọi là hở cổ tử cung, nguyên nhân có thể do bẩm sinh, cũng có thể do nạo phá thai nhiều lần hay rách nhiều cổ tử cung do sinh khó mà không được xử lý đúng cách). Sẩy thai ở nhóm này thường xảy ra nhiều lần nếu không tìm ra nguyên nhân và xử trí tận gốc. Lúc đầu có thể sinh non, có khi con nuôi được nhưng các lần sau, tuổi thai bị rút ngắn dần khi bị sẩy, thường từ ba tháng trở lên.

 

Khi tìm ra lý do, chỉ cần khâu cổ tử cung mỗi lần có thai, vào khoảng thai 14 tuần trở đi, chỉ khâu sẽ giúp cổ tử cung đóng kín. Bà mẹ cũng cần tránh làm nặng khi mang thai, chỉ khâu sẽ được cắt khi thai đủ trưởng thành. Dự phòng đương nhiên là tránh nạo phá thai nhiều lần, phục hồi tốt vùng sinh dục sau sinh.

 

“Sẩy thai hay sinh non là một trải nghiệm khá đau buồn cho người phụ nữ lẫn gia đình, những hỗ trợ tinh thần và tâm lý từ người chồng, gia đình là hết sức cần thiết”

 

Dị dạng đường sinh dục, u xơ tử cung cũng có thể là nguyên nhân gây sẩy thai hay sinh non. Thường các dị dạng gồm tử cung đôi (hai tử cung) hay tử cung hình tim, có vách ngăn. Các bất thường nhóm này làm cho buồng tử cung có kích thước không bình thường, chất lượng tử cung không tốt, dẫn đến khả năng làm tổ của thai trên tử cung kém, chất lượng nuôi dưỡng thai xấu đi. Khám phụ khoa trước khi mang thai sẽ biết được tình trạng đường sinh dục và dự báo trước khả năng mang thai. Với u xơ tử cung, có thể dùng thuốc hay phẫu thuật để giải quyết trước khi mang thai.

 

Nhiễm sắc thể bất thường

 

80% các trường hợp sẩy thai xảy ra trong ba tháng đầu và hơn 50% trong các tháng còn lại do bất thường của thai. Các bất thường này đa số là ở bộ nhiễm sắc thể, vật liệu di truyền của cơ thể. Bất thường có thể về số lượng hay cấu trúc nhiễm sắc thể, trong đó số lượng là nguyên nhân chủ yếu, thường sẩy thai sớm trong khoảng tám tuần đầu.

 

Trong 100 trường hợp bất thường nhiễm sắc thể, 70 trường hợp sẽ sẩy thai trong ba tháng đầu, gần 30 trường hợp sẩy trong ba tháng giữa, chỉ còn lại hai, ba ca có thể sống sót tới lúc sinh với các dị tật tuỳ theo loại bất thường.

 

Nên hiểu bất thường nhóm này như một tai nạn, do “sự cố kỹ thuật” của quá trình hình thành và phát triển phôi. Vì là lỗi của quy trình nên cũng ít khi lặp lại, khác với nguyên nhân hở cổ tử cung. Khoảng vài phần trăm do bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể có tiềm ẩn ở đời bố mẹ và truyền cho con. Loại này có thể lặp lại, có thể được xác định bằng cách khảo sát bộ nhiễm sắc thể của bố mẹ khi có sẩy thai liên tiếp mà không tìm ra nguyên nhân.

 

Không giữ được thai là điều đáng tiếc cho thai phụ và gia đình. Đi tìm nguyên nhân nhằm tránh lặp lại đau buồn, đạt được mục đích duy trì nòi giống, hạnh phúc gia đình là điều nên làm. Tuy nhiên đừng biến việc đó thành một cuộc “truy cứu trách nhiệm”, tìm cho ra ai là người có lỗi. Trải nghiệm tình huống sẩy thai hay sinh non là một trải nghiệm đau buồn cho người phụ nữ lẫn gia đình, những hỗ trợ tinh thần và tâm lý từ người chồng, gia đình – đặc biệt gia đình chồng, là hết sức cần thiết, giúp người phụ nữ mau chóng lấy lại sức khoẻ, niềm vui và không quá lo sợ cho tương lai hôn nhân.

 

Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh

SGTT