Quảng Ngãi:

Vì sao bác sĩ bỏ việc từ công sang tư?

(Dân trí) - Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay, có 35 bác sĩ bỏ việc hoặc xin chuyển công tác ngoài tỉnh (trong đó Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi có 13 bác sĩ và tuyến huyện miền núi như Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Tây) vì nhiều lý do.

Riêng huyện miền núi Ba Tơ, có 3 bác sĩ tuyến xã và 2 bác sĩ tuyến huyện bỏ việc. Điển hình như trường hợp 1 y sĩ ở xã Ba Khâm được Sở Y tế cấp kinh phí cho đi học 6 năm tại Huế nhằm nâng cao chuyên môn phục vụ y tế tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi ra trường, vị bác sĩ này lại không mặn mà với công việc tại Trạm y tế xã Ba Khâm, xin chuyển công tác vào TPHCM ngay sau khi hoàn thành đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước vì thu nhập thấp.
Vì sao bác sĩ bỏ việc từ công sang tư?

Nhiều bác sĩ vùng cao từ chối chữa bệnh cho người nghèo vì thu nhập thấp để làm việc nơi có thu nhập cao hơn ở các thành phố lớn (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Qua tìm hiểu tâm tư của những bác sĩ bỏ việc, lý do chủ yếu vì thu nhập còn thấp, chưa tương xứng với trình độ và sự cống hiến, dẫn đến nhiều bác sĩ bỏ việc đi làm ngoài công lập ở TPHCM, Đà Nẵng và Quảng Nam. Bên cạnh đó, họ cho rằng do áp lực công việc, áp lực dư luận khi bị lỗi dù là nhỏ và áp lực từ bệnh nhân. Trường hợp khác vì hoàn cảnh gia đình chuyển công tác theo vợ hoặc chồng. Hiện nay, các bác sĩ bỏ việc đều không có chế tài xử phạt, nặng thì họ chấp nhận bồi thường kinh phí cho nhà nước khi vừa hoàn thành đào tạo nâng cao”.

Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ngãi kịp thời ban hành chính sách thu hút bác sĩ mới, đãi ngộ bác sĩ đã có thời gian cống hiến lâu dài an tâm công tác. Theo đó, ra đời Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 31/3/2013 và Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 31/5/2013 về việc ban hành chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi.

Chính sách thu hút trên áp dụng với chức danh Giáo sư là 350 triệu đồng/người, Phó giáo sư với 300 triệu đồng/người, Tiến sĩ 250 triệu đồng/người, Tiến sĩ y khoa và bác sĩ chuyên khoa II (chuyên ngành sản phụ khoa) là 300 triệu đồng/người, Bác sĩ chuyên khoa II và dược sĩ chuyên khoa II (250 triệu đồng/người). Chức danh Thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I (chuyên ngành sản phụ khoa), bác sĩ nội trú (chuyên ngành sản phụ khoa) được hỗ trợ 250 triệu đồng/người. Bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I và bác sĩ nội trú là 230 triệu đồng/người. Bác sĩ và dược sĩ đại học (tốt nghiệp loại giỏi) 220 triệu đồng/người. Bác sĩ và dược sĩ đại học (tốt nghiệp loại khá) 200 triệu đồng/người. Bác sĩ và dược sĩ đại học (tốt nghiệp loại trung bình và trung bình khá) 180 triệu đồng/người. Thạc sĩ hỗ trợ 150 triệu đồng/người.

Riêng sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy (đạt loại giỏi trở lên) hoặc sinh viên học tập ở ngoài nước (đạt loại khá trở lên) được hỗ trợ 100 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, một số chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh Quảng Ngãi, sau khi được bố trí công tác, khi có nhu cầu thì địa phương xem xét tiếp nhận người thân như chồng (vợ), con ruột vào công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi quản lý nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Đối với chính sách nhà ở, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện giao đất ở, hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian 5 năm, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo nếu quá trình làm việc phát huy hiệu quả tốt.
Những bác sĩ đầu tiên về công tác tại Quảng Ngãi theo chế độ thu hút nhân tài.

Những bác sĩ đầu tiên về công tác tại Quảng Ngãi theo chế độ thu hút nhân tài.

Từ khi ban hành các chính sách thu hút, không có hiện tượng bác sĩ bỏ việc hoặc chuyển công tác đến cơ sở, bệnh viện tư nhân. Đồng thời, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút nhiều bác sĩ mới ra trường đạt từ loại khá trở lên. Trong năm 2013, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi thu hút và phân bổ 52 bác sĩ. Năm 2014 thu hút thêm 36 bác sĩ về công tác tại các đơn vị trực thuộc.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Đức chia sẻ: “Nhiều bác sĩ cống hiến lâu năm cũng bức xúc, khi sinh viên vừa ra trường nhận đãi ngộ hàng trăm triệu đồng, còn họ lại không có gì. Do đó, một số bác sĩ lâu năm cũng làm đơn xin chuyển công tác. Sau khi lãnh đạo Sở và UBND tỉnh tìm hiểu tâm tư, qua động viên thì họ đã an tâm ở lại công tác”.

Từ đó, trong năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục ban hành Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND ngày 29/4/2014 và Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 3/6/2014 quy định chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và những người có trình độ sau đại học chuyên ngành y dược đang công tác tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Ngãi (mức đãi ngộ từ 0,7 - 2 lần lương cơ sở/tháng được áp dụng từ năm 2015).
Những bác sĩ đầu tiên về công tác tại Quảng Ngãi theo chế độ thu hút nhân tài.

Giám đốc Sở Y tế đã kịp thời động viên và khen thưởng kíp mổ cứu bệnh nhân nguy kịch, nhờ đó đa phần bác sĩ đều an tâm công tác.

“Ngành đã thực hiện tốt các chế độ thu hút, ưu đãi cho bác sĩ. Đồng thời, thường xuyên thăm hỏi, động viên và khen thưởng đột xuất kịp thời những bác sĩ cứu người. Tuy nhiên, có số ít bác sĩ bỏ việc và chuyển công tác vì nhiều lý do riêng tư khác nhau”, bác sĩ Nguyễn Tấn Đức tâm sự.

Trong các nguyên nhân bác sĩ bỏ việc, lý do chính vẫn là mức thu nhập trong các cơ sở y tế công lập còn thấp. Mặc dù nhiều bác sĩ đã vào biên chế nhà nước nhưng họ vẫn ra đi.

Hồng Long