Vào mùa... ngộ độc thực phẩm

Liên tiếp những này gần đây, xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Nguyên nhân là do thức ăn để lâu trong tủ lạnh, hải sản không còn tươi, nước giải khát không rõ nguồn gốc, các loại nước “lọc tinh khiết” được cất từ “nước giếng khoan”...

Đặc biệt, với dịch do vi khuẩn E.Coli đang hoành hành là chủng hoàn toàn mới, độc lực mạnh đang khiến cả thế giới phải chú ý.

 

Vào mùa... ngộ độc thực phẩm  - 1

Tay bẩn, thịt chó, mắm tôm... nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Bệnh từ thức ăn “bẩn”

 

Tối 5/6, 25 người ở công trường xây dựng trường THPT chuyên Lào Cai đã phải vào BV Đa khoa tỉnh cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm sau khi bữa tối với các món thịt ngựa xào, thịt ngan luộc, rau sống, dưa xào lòng ngựa và tiết canh ngựa. BS Nguyễn Hữu Sơn - PGĐ BV - cho biết, đây là vụ ngộ độc lớn nhất được cấp cứu ở đây trong 5 năm qua.

 

Cả đội 30 công nhân được chủ thầu xây dựng chiêu đãi thịt ngựa sau khi đào móng nhà.

 

Sau 2 tiếng, 25 người có triệu chứng đau bụng, nôn, đi ngoài. Năm người không ăn tiết canh vẫn bình thường. Món tiết canh ngựa đã để từ sáng đến chiều, bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc. Rất may là sau 3 ngày được điều trị, họ đều được xuất viện và không có ca tử vong.

 

Mới đây nhất, tối 11/6 - 57 người sau khi ăn tại khách sạn Phương Linh ở đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng đã phải nhập viện. Trong đó có 1 trường hợp tử vong. Hiện cơ quan y tế địa phương vẫn đang trong thời gian lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây nên vụ ngộ độc này.

 

Không khí oi nồng, nóng bức của mùa hè là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, côn trùng, ruồi muỗi khu trú và sinh sôi nảy nở. Đây là nguyên nhân dẫn đến số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tăng vọt... Theo BS Nguyễn Kim Sơn, PGĐ Trung tâm Chống độc Bạch Mai: Số ca ngộ độc thực phẩm vào điều trị tại TT Chống độc mỗi năm một tăng. Vào hè, mỗi ngày trung tâm cứ đều đều tiếp nhận 7 - 10 ca ngộ độc.

 

Cảnh giác với vi khuẩn E.Coli chủng mới

 

Theo điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Thức ăn chín đường phố Hà Nội có tỉ lệ nhiễm khuẩn E.Coli từ 70 - 90% với món nộm thập cẩm, nem chua, giò, nem chạo... Cũng theo điều tra này, bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm rất “bẩn”. Tại Hà Nội, tỉ lệ bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm thức ăn đường phố nhiễm E.Coli là chiếm tới hơn 40%. Các chuyên gia thực phẩm nhận định, với thực trạng chế biến thức ăn như thế, việc bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột, nhiễm các loại giun, sán là điều khó tránh khỏi.

 

 

 

Trong khi đó, bệnh E.Coli với chủng mới ở Châu Âu đang làm nhiều người hoang mang, câu hỏi là liệu dịch có khả năng lan đến VN hay không. Theo TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết: Vi khuẩn E.Coli đang hoành hành tại Châu Âu được coi là chủng hoàn toàn mới, có độc lực mạnh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với những chủng cũ. Tuy nhiên, tại VN chưa tìm thấy loại vi khuẩn này.

 

Theo GS-TSKH Phùng Đắc Cam - chuyên gia hàng đầu về vi khuẩn gây đường ruột tại VN, chuyên gia Trung tâm Phòng, chống bệnh Châu Âu: Sự lây truyền của vi khuẩn E.Coli, chủng EHEC thường qua đường thực phẩm, qua nguồn nước hoặc trực tiếp từ người này sang người khác. Tuy nhiên, cơ chế lây truyền từ người sang người rất ít, chủ yếu là do ngoại cảnh, ăn uống phải nguồn thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm bẩn.

 

Hơn nữa, đây là bệnh cấp tính, khi bị nhiễm vi khuẩn, người bệnh thường có biểu hiện ngay nên ít có khả năng di chuyển, do đó, nguy cơ dịch lan rộng ra các nước, trong đó có VN là rất khó. Tuy nhiên, VN vốn là nước có bệnh nhân tiêu chảy do E.Coli, các ca bệnh thường rải rác quanh năm và cao hơn vào mùa hè, do đó người dân không nên chủ quan. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là ăn chín, uống sôi. Ăn rau sống rất nguy hiểm, bởi dù có được ngâm nước muối, thuốc tím cũng chỉ có tác dụng giảm vi khuẩn chứ không diệt được.   

 

Theo các chuyên gia, nguy cơ cao nhất dẫn đến nhiễm độc, nhiễm khuẩn thức ăn nhiều nhất là từ động vật còn tươi sống hoặc chưa đun nấu kỹ như ăn tiết canh, tim, cật tái, thịt tái, gỏi cá... Tiết canh là món “khoái khẩu” của nhiều người, nhưng đó cũng lại là môi trường giàu dinh dưỡng, rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

 

Theo Quang Duy

Lao động