Ung thư phổi có thể đề phòng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thay đổi thói quen sống, tầm soát nguy cơ từ sớm để hạn chế khả năng mắc bệnh ung thư phổi.

Trong tập 2 của seri Hiểu đúng về bệnh di truyền do Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA (DNA Medical Technology) thực hiện, BS Ung bướu Nguyễn Quang Cường đã chia sẻ nhiều kiến thức có giá trị liên quan đến bệnh ung thư phổi. DNA Medical Technology là đơn vị giải mã di truyền, giúp mọi người hiểu hơn về bản thân. Qua đó lên kế hoạch đề phòng từ sớm, phòng tránh các nguy cơ tiến triển của các bệnh, trong đó có ung thư.

Ung thư phổi có thể đề phòng - 1
BS Ung bướu Nguyễn Quang Cường

Theo đó, ung thư phổi là sự tăng sinh không kiểm soát của một số tế bào trong phổi dần hình thành khối u ác tính. Các khối u xâm lấn đến nhiều vùng lân cận hoặc thông qua đường máu di chuyển đến các cơ quan khác, gọi là di căn.

Bệnh ung thư phổi đa số không có triệu chứng. Khi mới khởi phát ung thư phổi, triệu chứng bệnh thường không rõ ràng vì kích thước khối u còn nhỏ. Chính vì vậy mà bệnh nhân đến khám thường ở giai đoạn đã muộn nên việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đến thời điểm khối u lớn sẽ gây kích thích hay chèn ép đường thở làm giảm sự lưu thông khí, khiến người bệnh ho dai dẳng. Vì tại vị trí đường thở chịu sự tác động của khối u, vi khuẩn bị ứ đọng khiến bệnh viêm phổi tái phát nhiều lần, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hoặc khối u có thể xuất huyết vào đường thở, làm ho ra máu.

Nếu khối u không tích tụ trong phổi mà nằm ở thành ngực, người bệnh sẽ có cảm giác đau ngực. Chẳng may ở giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn đến các cơ quan khác như não hay gan, người bệnh sẽ có thêm triệu chứng ở các cơ quan đó.

Ung thư phổi gồm hai kiểu ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (chiếm 85%). Đối với ung thư tế bào nhỏ, khối u có diễn tiến lan tràn và di căn sớm nên tiên lượng bệnh nặng hơn so với loại ung thư còn lại. Dù có liên quan đến hệ hô hấp, BS Cường khẳng định: “Ung thư phổi là bệnh không lây nhiễm”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 85% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Hàng loạt chất độc hại trong thuốc lá sẽ gây hư hỏng đoạn mã di truyền (DNA) của tế bào. Đối với người khoẻ mạnh, cơ thể có khả năng “sửa chữa” những hư hại đó. Tuy nhiên trên thực tế, hút thuốc lá dễ trở thành thói quen sau khi đã tiếp xúc nên việc hút thuốc trong nhiều năm sẽ khiến sự hư hại DNA ngày càng nhiều; dẫn đến tăng khả năng mắc các bệnh.

Bên cạnh thuốc lá là nguyên nhân chính thì trong môi trường còn nhiều chất độc khác làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Cụ thể như bụi amiang, khí radon, khí thải xe cộ, khí thải nhà máy. Về lối sống, khi người bình thường dùng nhiều thịt đỏ, thức ăn nhanh, uống rượu, bia, kém vận động thì không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư phổi mà còn của nhiều loại ung thư khác.

Để thuận lợi cho công tác chữa trị, BS Nguyễn Quang Cường nhấn mạnh: “Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ. Nhiều loại ung thư mang tính di truyền nên nếu người thân mắc bệnh ung thư thì nên sàng lọc nguy cơ từ sớm”. Đối với những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ thì phổi sẽ tăng xác suất chữa bệnh lên đến 80%. Còn khi đã có hiện tượng di căn, cơ hội sống của bệnh nhân trong 5 năm chỉ dưới 5%.

Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA (DNA Medical Technology) là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ di truyền trong đời sống và y tế tại Việt Nam. Đội ngũ bác sĩ, chuyên gia di truyền tại DNA Medical Technology có kinh nghiệm học tập, làm việc tại các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực di truyền như Anh, Hàn Quốc, Thái Lan.

Báo cáo di truyền của Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA cho biết các thông số gồm mức độ ảnh hưởng của gen lên từng đặc trưng và thống kê ảnh hưởng gen trong cộng đồng, đồng thời cung cấp lời khuyên hữu ích. Thông qua báo cáo di truyền, mỗi người dân có thể chủ động thay đổi thói quen, hành vi để nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi ngày.

Hiểu đúng về ung thư phổi