Ung thư dạ dày có nên phẫu thuật?
(Dân trí) - Mẹ em bị ung thư dạ dày, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhưng gia đình rất lo lắng vì e ngại ung thư động dao kéo vào càng nhanh tử vong. Xin bác sĩ cho em lời khuyên (Thanh Ba, Phú Thọ)
Trong đó, phẫu thuật là một phương pháp hiệu quả để điều trị ung thư dạ dày. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai muộn do phát hiện muộn; phát hiện nhưng người bệnh sợ đụng dao kéo, sợ điều trị... mà sử dụng các biện pháp như bỏ đói tế bào, ăn gạo lứt, chữa thuốc nam... Trong khi đó, các biện pháp này không điều trị được ung thư, khiến ung thư càng phát triển khi đến viện thì đã không còn điều trị được nữa.
Riêng với ung thư dạ dày, tại Bệnh viện Việt Đức mỗi tuần có hàng chục trường hợp ung thư dạ dày, tiêu hóa, trực tràng phải tiến hành can thiệp, với đối tượng bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, thậm chí 30 tuổi đã mắc ung thư dạ dày. Tỷ lệ tử vong tính trên đầu người do ung thư dạ dày ở Nhật Bản là 13.8/100.000 người, trong khi tỷ lệ tại Việt Nam là 14,3%.
Việc phát hiện càng sớm càng mang lại cơ hội điều trị tốt cho người bệnh, thậm chí chỉ cần nội soi hớt lớp niêm mạc nếu tổn thương ung thư mới.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, rất nhiều người bệnh có định kiến sai lầm, ung thư mà đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan tràn nhanh và tử vong sớm hơn.
"Thực tế hoàn toàn ngược lại, đối với đa số các loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm", PGS Quảng khẳng định.
Theo PGS Quảng, định kiến này rất nguy hiểm vì dễ khiến bệnh nhân sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này thuốc kia theo truyền miệng. Đến khi bệnh trở nặng hơn, vào viện đã qua thời điểm vàng của điều trị, phẫu thuật.
Trong khi đó phẫu thuật ở giai đoạn sớm là rất quan trọng để loại bỏ khối u, thì ở giai đoạn muộn, có những bệnh nhân vẫn cần phẫu thuật để giải quyết biến chứng của khối u chứ không phải là phẫu thuật để khỏi bệnh.
Đây là các chỉ định phẫu thuật liên quan đến cầm máu, phẫu thuật mở thông dạ dày nuôi dưỡng khi người bệnh không ăn uống được, phẫu thuật tắc ruột, nên sau mổ diễn biến bệnh của bệnh nhân vẫn phát triển, có thể bệnh vẫn tiến triển xấu đi.
Cũng có không ít trường hợp phẫu thuật thất bại, tai biến phẫu thuật, phẫu thuật quá giai đoạn, quá chỉ định do ung thư giai đoạn muộn.
Tai biến phẫu thuật là điều không ai mong muốn nhưng là rủi ro luôn có thể xảy ra như bất kì can thiệp nào khác trong y khoa kể cả thông thường như tiêm thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, cũng có khi bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn, thuận lợi nhưng bệnh vẫn có thể tái phát do đây là bản chất của bệnh ung thư. Trong nhiều trường hợp, sau khi phẫu thuật triệt căn, bệnh nhân không được điều trị bổ sung sau mổ một cách bài bản, bệnh cũng có thể tái phát lại trong thời gian ngắn. Khi điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật không phải là sự kết thúc điều trị, mà chỉ là nền tảng cho các điều trị bổ sung tiếp theo.
Vì thế, khi bị ung thư, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, có tâm lý vững vàng để đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị.
Hồng Hải