Ung thư cổ tử cung ở phụ nữ mang thai, phát hiện và điều trị thế nào?
1-3% được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung khi đang mang thai hoặc sau khi sinh. Khoảng một nửa trong số những trường hợp này được chẩn đoán trước khi sinh và nửa còn lại được chẩn đoán trong 12 tháng sau khi sinh .
Tùy theo giai đoạn, diễn tiến bệnh và tiên lượng ung thư cổ tử cung ở bệnh nhân mang thai cũng tương tự như bệnh nhân không mang thai. Hiện nay, chưa có các nghiên cứu mẫu lớn để đưa ra lời khuyến cáo cho việc chăm sóc bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung khi mang thai. Do đó, việc chăm sóc điều trị cho đối tượng bệnh nhân này vẫn dựa trên các khuyến cáo dành cho phụ nữ không mang thai.
Một số khuyến cáo dành cho phụ nữ đang mang thai
Soi cổ tử cung và sinh thiết ở phụ nữ có thai nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên về nội soi cổ tử cung, có kinh nghiệm với các thay đổi của cổ tử cung trong thai kỳ. Không nên nạo kênh cổ tử cung ở phụ nữ có thai.
Việc chẩn đoán bằng khoét chóp chỉ được chỉ định trong thai kỳ khi mà chẩn đoán xác định ung thư xâm lấn sẽ làm thay đổi thời gian hay cách thức sanh; nếu không, khoét chóp sẽ được trì hoãn đến giai đoạn hậu sản để tránh các tai biến có thể xảy ra cho thai kỳ. Bên cạnh đó, các xét nghiệm để đánh giá giai đoạn bệnh ở phụ nữ có thai cần được cân nhắc để tránh cho thai nhi phơi nhiễm với các bức xạ ion hóa.
Việc chẩn đoán và điều trị đa mô thức là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề phức tạp ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thai, như chấm dứt hay tiếp tục thai kỳ, trì hoãn việc điều trị triệt để, phương pháp chăm sóc và điều trị trong thai kỳ, thời gian và cách thức sinh...
Theo đó, ở phụ nữ có thai được chẩn đoán ung thư cổ tử cung tại chổ, việc điều trị triệt để nên trì hoãn đến giai đoạn hậu sản. Điều trị triệt để, ngay lập tức cùng với chấm dứt thai kỳ, bất kể tuổi thai, thường được chỉ định nếu có bằng chứng về di căn hạch hay ghi nhận bệnh tiến triển trong thời gian mang thai.
Ngoài ra, việc điều trị bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thai tùy thuộc vào mong muốn của bệnh nhân và giai đình liên quan đến bảo tồn thai kỳ, tuổi thai và giai đoạn lâm sàng của mẹ:
Không nên xạ trị ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung mong muốn giữ thai vì có thể gây sảy thai và các tai biến khác.
Những cân nhắc khi sinh với người mẹ ung thư cổ tử cung
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung và tiếp tục thai kỳ cần được theo dõi sát đến khi sinh. Bệnh nhân có bằng chứng bệnh tiến triển cần được điều trị triệt để.
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn I, có thể sinh ngã âm đạo nếu bờ khoét chóp âm tính. Tuy nhiên sinh mổ được khuyến cáo ở những bệnh nhân có giai đoạn bệnh trễ hơn.
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thai nên điều trị triệt để sau khi sinh.
Thời gian sinh phải được cụ thể hóa dựa vào tuổi thai, giai đoạn bệnh ung thư cổ tử cung và nếu như có bằng chứng bướu tiến triển trong thai kì. Thời gian sinh đủ tháng tối ưu là ≥37 tuần và lí tưởng nhất là 39 tuần, tuy nhiên nếu có chỉ định sinh sớm hơn vì nguyên nhân nội khoa hoặc sản khoa thì steroids có thể được sử dụng để giảm tỉ lệ tử vong do sinh thiếu tháng.
Không có nghiên cứu ngẫu nhiên nào đánh giá tiên lượng của bà mẹ theo phương pháp sinh. Các nghiên cứu bệnh-chứng và hồi cứu cho thấy sinh qua ngã âm đạo khi sang thương cổ tử cung rất nhỏ không thay đổi tiên lượng của bà mẹ. Vì vậy, phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 và 2 có thể sinh qua ngã âm đạo, mổ bắt con chỉ khi có chỉ định sản khoa. Nên tránh cắt âm hộ nếu có thể vì đã có ít nhất 15 ca gieo rắc tế bào bướu tại vị trí cắt âm hộ đã được báo cáo sau khi sinh qua ngã âm đạo. 5 trong số 11 ca tái phát tại vị trí cắt âm hộ đã mất vì bệnh ung thư.
Phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 trở lên thì nên tránh sinh qua ngã âm đạo. Các dữ liệu cho thấy tiên lượng của bà mẹ sinh qua ngã âm đạo xấu hơn khi mổ lấy thai. Ngoài ra, bệnh nhân có bướu to hoặc bỡ và hình thùng có nguy cơ xuất huyết và tắc nghẽn đường ra của thai nhi nghiêm trọng trong quá trình chuyển dạ và cố gắng sinh ngã âm đạo. Vì vậy, nên mổ lấy thai khi thai ≥ 37 tuần và lí tưởng nhất là 39 tuần.