U máu ở mắt, mũi, não… cần điều trị sớm
(Dân trí) - U máu là một bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ em, thường ít ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây tác động xấu đến phương diện thẩm mỹ và sinh hoạt. U máu xuất hiện ở các vị trí như mắt, mũi, não… có thể dẫn đến tử vong.
Những vị trí nguy hiểm của u máu ở trẻ cần điều trị sớm |
U máu trên da ở trẻ em là những bướu mạch máu lành tính, khoảng 80% các trường hợp u máu xuất hiện ngoài da, vùng đầu, mặt, cổ. Ngoài ra, u máu còn có thể xuất hiện ở các vị trí nguy hiểm như mắt, mũi, não…và có thể dẫn đến tử vong.
BS Trần Thế Viện, Trung tâm U máu (TTUM) cho biết, u máu có sự phát triển tự nhiên trong năm đầu tiên, sau 5 - 10 năm sau sẽ tự thoái hóa. Do đó, đa số các trường hợp không cần điều trị. Tuy nhiên, với những u máu nằm ở vị trí có ảnh hưởng đến sinh hoạt và thẩm mỹ, có biến chứng hay ở các vị trí nguy hiểm thì cần phải điều trị kịp thời và đúng cách.
Những vị trí u máu có thể gây biến chứng là đường thở, mắt, vùng xương cùng cụt hay ở hàm, ở cổ. Trong đó, loét là biến chứng thường thấy nhất, dẫn đến nhiễm trùng, chảy máu và để lại sẹo xấu.
Những trẻ bị u máu chỉ có 1 u (kích thước từ vài mm đến khoảng 5cm). Một số ít có nhiều u máu và kích thước lớn hơn.
Trung tâm điều trị u máu
Ở Việt Nam, trước năm 2009 có vài nơi điều trị u máu nhưng không có một phác đồ chuẩn. Đồng thời, không có sự phối hợp đồng bộ giữa các chuyên khoa trong việc chữa trị căn bệnh này.
Từ tháng 2/2009, một TTUM đã được thành lập, với sự hỗ trợ của 2 trường ĐH Harvard và ĐH Massachusetts, TTUM trực thuộc ĐH Y Dược TPHCM (217 Hồng Bàng, Q.5) và việc thực hành điều trị đặt tại BV Nguyễn Tri Phương. Đây là trung tâm chuyên điều trị u máu thứ 8 trên toàn thế giới.
Ba bước điều trị u máu
Điều trị u máu là tìm cách ngăn ngừa và hạn chế các biến chứng gây ảnh hưởng đến chức năng sống hay những biến dạng của da. Có nhiều biện pháp điều trị u máu như áp lạnh (dùng nitơ lỏng), hay bôi Imiquimod 5%, dùng chất ức chế beta không chọn lọc propanolol. Tuy nhiên, hiện có 3 bước điều trị u máu được áp dụng nhiều.
Bước 1: là dùng Corticosteroid bôi tại chỗ hay tiêm Corticoid trong sang thương. Nếu u máu lớn, biến dạng nhanh, sẽ dùng Corticoid hệ thống.
Bước 2: Nếu điều trị Corticoid không có đáp ứng sẽ tiêm interferon alfa-2a và 2b, hay dùng laser hoặc phải phẫu thuật.
Chỉ điều trị bằng phẫu thuật nếu có kết quả tốt hơn dùng thuốc. Đó là là sẹo bất thường, u máu bị loét và chảy máu nhiều, u máu ở mắt, tai, thanh quản.
Bước 3: Dùng độc tế bào, thuyên tắc mạch hay dùng thuốc ức chế tăng sinh mạch máu. Trong đó việc dùng độc tế bào ít được chỉ định do có nhiều tác dụng phụ, còn điều trị thuyên tắc mạch thường chỉ áp dụng cho những u máu thật sự nguy hiểm. Còn việc dùng thuốc ức chế tăng sinh mạch máu chỉ là điều trị thay thế hay hỗ trợ trong việc điều trị u máu.
“Để điều trị u máu có kết quả tốt, cần biết rõ bệnh sử, các đặc tính sinh học và khả năng gây ra biến chứng của các dạng u máu”, BS Trần Thế Viện nói.
Ngọc Thanh