1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tưởng gà ta, té ra... gà thải!

Nguồn gà thải từ các trại nuôi gà lấy trứng được giới kinh doanh biến hóa thành gà ta để bán nhằm trục lợi.

Gà thải được bán nhiều tại các quán ăn ở TPHCM.
Gà thải được bán nhiều tại các quán ăn ở TPHCM.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều quán ăn (cháo, phở, gỏi, miến...) quảng cáo chuyên bán gà ta nên thu hút rất đông thực khách. Tuy nhiên, không ít quán ăn dạng này chỉ bán gà thải loại. Đây là loại gà công nghiệp được nuôi để lấy trứng nhưng sau thời gian dài, gà đẻ thưa dần, không còn hiệu quả kinh tế nên các trại “thanh lý” để nuôi đợt khác, được gọi là gà thải loại.

Phức tạp nguồn hàng

Theo giới kinh doanh thực phẩm, hiện gà thải loại có 3 nguồn, nhiều nhất là từ các trại chăn nuôi ở Trung Quốc được thương lái mua gom rồi tuồn vào thị trường Việt Nam. Tiếp đến là nguồn gà từ các trại chăn nuôi trong nước và một lượng không ít nhập khẩu chính thức lẫn lộn với thịt gà đông lạnh.

Các nguồn gà thải này đang được tiêu thụ rất mạnh. Tại nhiều chợ lẻ ở Hà Nội và TPHCM, nguồn gà thải này được bán công khai như gà ta đã giết mổ. còn tại các quán ăn, gà thải được treo lủng lẳng, trứng non, dồi trường nhiều vô kể. Ông Huỳnh Minh Dũng, chủ một trại gà ở Đồng Nai, khẳng định chỉ có gà đẻ công nghiệp mới nhiều trứng như vậy.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, gà đẻ thải, gà còi cọc từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam khá nhiều. Mỗi ngày có hàng chục xe tải, mỗi xe chở hơn 2 tấn gà xâm nhập Việt Nam. Những xe này được bao giá nguyên chiếc để vận chuyển vào địa phận Hà Nội hoặc tỏa đi các địa phương (về đến Hà Nội khoảng 5 triệu đồng/xe). Cũng theo ông Vang, giá gà đẻ thải này tại Trung Quốc rất thấp, chưa bằng phân nửa so với giá gà công nghiệp nuôi trong nước.

Đối với nguồn gà trong nước, trước đây, tại các trại gà đẻ ở khu vực miền Đông, miền Tây, giá gà thải loại thường rất thấp, chưa tới 10.000 đồng/kg do chủ yếu được bán cho trại nuôi cá sấu và cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, gần đây, loại gà này trở nên hút hàng do nhu cầu của các quán ăn, dịch vụ nấu tiệc tăng mạnh, giá cũng được đẩy lên cao, trên 40.000 đồng/kg.

Ông Đặng Ngọc Thành, chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh, cho biết do giá gà thải gần đây tăng mạnh nên một số doanh nghiệp cũng tìm cách nhập khẩu gà thải bằng cách trộn lẫn với đùi, cánh gà đông lạnh (giá ở nước ngoài tính ra chỉ khoảng 25.000 đồng/kg). Theo ông Thành, dù nguồn gà này nhập chưa nhiều nhưng tính ra, trong 100 container thì gà thải loại (dạng nguyên con) chiếm khoảng 5 container (chủ yếu từ Mỹ, Brazil, Argentina, Hàn Quốc...).

Nguy cơ gây độc

Theo cơ quan thú y TPHCM, gần đây, khi kiểm tra các lò giết mổ gia cầm trái phép tại TPHCM, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều gà thải loại. Trước khi đưa ra chợ bán hoặc bỏ mối cho các quán ăn, loại gà này thường được tẩm ướp màu vàng để giả gà ta. Giá bán gà này từ 80.000 - 90.000 đồng/kg (trong khi gà ta phải từ 100.000 - 120.000 đồng/kg). Trên bao bì đóng gói loại gà này ghi thông tin không rõ ràng (thường chỉ ghi là gà ta đi bộ, gà đẻ trứng vàng...) khiến người tiêu dùng hiểu lầm.

Ông Lê Hoài Tâm, bác sĩ thú y ở Đồng Nai, cho biết gà nuôi công nghiệp phải thường xuyên được bơm chích kháng sinh để phòng ngừa dịch bệnh. Đối với gà công nghiệp nuôi lấy thịt, do thời gian nuôi ngắn (chỉ khoảng 45 ngày) nên lượng kháng sinh tồn dư chưa nhiều (thường 1-2 tuần sẽ bơm chích một lần); còn gà đẻ, do thời gian nuôi kéo dài nên lượng kháng sinh tồn dư rất cao, có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi nuôi gà đẻ công nghiệp, người ta còn trộn phẩm màu vào thức ăn để trứng có lòng đỏ đậm hơn. Trường hợp sử dụng phẩm màu được chiết xuất từ thiên nhiên thì không sao nhưng thực tế, không ít người chăn nuôi đã trộn màu công nghiệp để hạ giá thành. Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết màu công nghiệp có nhiều tạp chất, kim loại nặng. Do đó, nếu ăn phải thực phẩm có chứa màu công nghiệp tích tụ lâu ngày sẽ mắc nhiều chứng bệnh ung thư rất nguy hiểm.

Gà thải vào quán tiềm thuốc bắc

Gần đây, nhiều trại chăn nuôi chuyển sang nuôi gà ác công nghiệp để lấy trứng. Do ngày càng có nhiều người nuôi với số lượng lớn nên lượng gà đẻ thải loại cũng tăng lên. Giá bán loại gà thải này tại trại gần 50.000 đồng/kg. Nguồn gà ác thải này thường được nhiều quán ăn thu mua để chế biến các món tiềm thuốc bắc.

Theo Nguyễn Hải

NLĐ