Từ nữ sinh sợ máu, kim tiêm trở thành bác sĩ giúp nghìn đôi mắt sáng khỏe
(Dân trí) - "Ông bà mình hay nói giàu hai con mắt, có đôi mắt khỏe đẹp là quý giá lắm. Tôi hạnh phúc khi được giúp nhiều bệnh nhân tìm lại đôi mắt sáng khỏe", bác sĩ Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ Bệnh viện FV chia sẻ.
"Những lúc thấy ngoại phải lần mò trong bóng tối, tôi lại có thêm động lực để học y và chọn chuyên khoa mắt"
Gắn bó với ngành y gần 3 thập kỷ, cùng đồng nghiệp thực hiện chục nghìn ca phẫu thuật, ít ai ngờ bác sĩ Nguyễn Thị Mai trước kia là người sợ máu, sợ kim tiêm.
"Ngày bé, cứ nhìn thấy bác sĩ cứu người, cầm ống nghe khám bệnh là tôi ngưỡng mộ lắm vì họ mang đến cho mình cảm giác an tâm, được che chở, ân cần. Mẹ tôi làm việc trong bệnh xá, nên tôi cũng mơ ước tiếp bước mẹ theo nghề. Đến khi thi đậu trường y rồi mới biết phải cầm dao mổ, người sợ máu, sợ kim tiêm như tôi lúc đó hoảng hốt lắm", bác sĩ Mai nhớ lại.
Nhưng rồi quyết tâm gắn bó với ngành y, mong muốn có năng lực cứu chữa bệnh nhân chính là động lực giúp cô nữ sinh vượt qua sợ hãi ban đầu. Việc theo đuổi chuyên khoa mắt với bác sĩ Mai cũng không tình cờ mà là mục tiêu ngay từ lúc chị chọn học y.
Trong ký ức tuổi thơ, chị còn nhớ không ít ngày theo bà ngoại tìm bác sĩ chữa trị cho đôi mắt bị thương tật do một mảnh thủy tinh bắn vào. Cô cháu gái khi đó không ít lần chứng kiến bà hy vọng khi nghe giới thiệu đến bác sĩ, rồi lại thất vọng bởi thị lực sau đó vẫn không cải thiện.
"Cứ nghe ở đâu có bác sĩ chữa mắt giỏi là ngoại lại tìm đến, nhưng vì kỹ thuật y khoa ngày xưa chưa tốt, nên mắt ngoại tôi vẫn không chữa khỏi. Những lúc thấy ngoại phải lần mò trong bóng tối, tôi lại có thêm động lực để học y và chọn chuyên khoa mắt", bác sĩ Mai kể lại.
Hơn ai hết, bác sĩ Mai hiểu được tầm quan trọng của các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị nhãn khoa đối với sự phục hồi thị lực, nên khi ở vị trí trưởng khoa Mắt, Bệnh viện FV, chị đã cùng Hội đồng y khoa của bệnh viện luôn cập nhật nhanh chóng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để mang đến nhiều giải pháp điều trị cho bệnh nhân.
"Tôi tâm niệm, nếu có bất kỳ kỹ thuật nào mới giúp được cho nhiều bệnh nhân hơn thì sẽ tìm cách để mang về Việt Nam", bác sĩ Mai chia sẻ. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi này, hiện tại FV có nhiều phương pháp điều trị khúc xạ mới nhất, phù hợp với từng trường hợp của mỗi bệnh nhân.
Tâm huyết xây dựng dự án cải thiện thị lực cho cộng đồng
Không chỉ làm chủ kỹ thuật, mang nhiều phương pháp điều trị hiện đại thế giới để áp dụng tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Mai cũng muốn làm sao để người dân biết bảo vệ thị lực của mình từ sớm. Vị trưởng khoa bày tỏ trăn trở khi nhiều người vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến sức khỏe đôi mắt, để khi ảnh hưởng lớn đến thị lực hoặc trở nặng mới tìm đến bệnh viện.
"Mọi người thường bỏ qua việc khám mắt định kỳ, hay lơ là những triệu chứng nhỏ, thích tự chữa bằng thông tin trên mạng và chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh nặng. Trong khi đó, tâm lý muốn hết bệnh và hết nhanh nhưng ở giai đoạn muộn lại thường gây áp lực cho bệnh nhân và cho cả người điều trị", bác sĩ Mai trăn trở.
Chưa kể, tình trạng trẻ em bị nhược thị và cận thị tại Việt Nam ngày càng gia tăng mà chưa được quan tâm đúng mức, đe dọa tới thị lực của trẻ khi trưởng thành. Không ít bệnh nhân bị tật khúc xạ nặng, không thể áp dụng phẫu thuật để điều trị, thậm chí dẫn tới các bệnh nặng hơn như bong võng mạc, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Bác sĩ Mai thật sự trăn trở khi chứng kiến số lượng bệnh nhi đến điều trị khúc xạ tại bệnh viện tăng cao. Đây là hậu quả của thói quen sống của trẻ thiếu sự quan tâm đến sức khỏe đôi mắt, mà phụ huynh cũng dễ dàng bỏ qua. Vị trưởng khoa Mắt, Bệnh viện FV ấp ủ xây dựng kế hoạch đưa các chương trình phổ biến kiến thức bảo vệ thị lực, tầm soát và kiểm soát cận thị tới trẻ em tuổi đến trường và các phụ huynh. Khoa Mắt - Bệnh viện FV cũng là một trong rất ít đơn vị triển khai chương trình điều trị nhược thị - tật về mắt đang ảnh hưởng đến gần 3 triệu trẻ em tại Việt Nam.
"Khi mọi người được tiếp cận dễ dàng với internet đồng nghĩa với việc họ cũng tiếp cận nhiều luồng thông tin khác nhau, mà những thông tin y học chính thống, chính xác lại bị trộn lẫn với thông tin sai lệch, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vì thế, tôi muốn xây dựng những kênh thông tin khoa học chính xác, giúp các bậc cha mẹ, bệnh nhân có thể tiếp cận được. Với việc tầm soát sớm và có biện pháp ngăn ngừa cận thị, các thế hệ trẻ sau này lớn lên với đôi mắt sáng khỏe. Đôi mắt cũng là vốn liếng lớn của mỗi người, giữ được sự 'giàu có' của đôi mắt rồi sẽ có động lực giàu có ở những phương diện khác…", bác sĩ Mai bộc bạch.
"Từng là mơ ước, giờ khoa Mắt FV là nơi trao gửi tâm huyết"
Cách đây 8 năm, bác sĩ Nguyễn Thị Mai rời vị trí công tác tại một bệnh viện chuyên khoa mắt để đầu quân cho Bệnh viện FV với nhiều sự kỳ vọng sẽ làm được nhiều hơn cho bệnh nhân trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, quy trình chuẩn hóa và đi đầu trong công nghệ, kỹ thuật điều trị.
"Làm việc cho FV là một trong những quyết định bước ngoặt đối với sự nghiệp của tôi. Ngay từ thời điểm chưa về, chỉ nghe danh tiếng bệnh viện qua lời đồng nghiệp, cho đến khi trở thành trưởng khoa Mắt, tôi vẫn luôn ấn tượng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, chuẩn xác tại đây. FV là bệnh viện với chất lượng quốc tế thật sự chứ không chỉ ở danh xưng", bác sĩ Mai khẳng định.
Là người luôn tìm kiếm những giải pháp mới, không ngừng đưa các kỹ thuật điều trị nhãn khoa hàng đầu về áp dụng tại Việt Nam, bác sĩ Mai thường ví việc đầu quân cho FV của mình như "cá gặp nước". Ở đây chị tìm thấy sự đồng điệu về tầm nhìn phát triển đơn vị, môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiến bộ, cơ hội học hỏi và phát triển sự nghiệp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Nhận định về vị trưởng khoa Mắt, TS.BS. Đỗ Trọng Khanh - Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV - chia sẻ: "Không chỉ có năng lực chuyên môn xuất sắc, bác sĩ Mai còn là một người quản lý giỏi vì biết cách dung hòa những bác sĩ tinh hoa nhưng sở hữu cá tính cực mạnh ở khoa Mắt".
Theo Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV, trong quá trình đồng hành và xây dựng khoa Mắt, bác sĩ Nguyễn Thị Mai đã góp phần tạo nên hệ sinh thái điều trị mắt, đưa khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ của FV đứng vào top các đơn vị điều trị hàng đầu Việt Nam với nhiều kỹ thuật tiến bộ cùng cơ sở vật chất hiện đại.
"Tôi hoàn toàn tự tin với năng lực điều trị của khoa Mắt Bệnh viện FV - đơn vị đủ sức đảm đương điều trị như một bệnh viện nhãn khoa. Tất cả đều là công sức xây dựng, học tập và cố gắng của cả tập thể mà người đi đầu là bác sĩ Mai", TS.BS Đỗ Trọng Khanh nhấn mạnh.
Khi được hỏi về những thành tựu đã tạo dựng cùng bệnh viện FV, vị trưởng khoa Mắt hào hứng cho biết đã cùng đồng nghiệp đưa những tiến bộ điều trị mới vào Việt Nam như Lasik, Femtosecond Lasik, CLEAR, Ortho-K, SmartSurfACE…
Khoa Mắt bệnh viện FV cũng là đơn vị liên kết với nhiều chuyên gia nhãn khoa hàng đầu thế giới, như giáo sư Donald Tan - cái tên đứng thứ 3 trong danh sách 100 bác sĩ nhãn khoa có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu - "thắp sáng" cho nhiều đôi mắt tưởng chừng như vô vọng bằng phương pháp ghép giác mạc.
Khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ còn là đơn vị liên kết với ngân hàng giác mạc tại Mỹ, góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt giác mạc trong điều trị các bệnh về mắt cho bệnh nhân trong nước. Trong các ca phẫu thuật, nếu không đóng vai chính trực tiếp cầm dao mổ, bác sĩ Mai cũng đồng hành với bệnh nhân và gia đình trong vai trò kết nối, hỗ trợ.
Nhớ về một ca được giáo sư Donald Tan thực hiện ghép giác mạc do bác sĩ Mai hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Thùy Trang - trợ lý y khoa của bác sĩ Mai - bày tỏ: "Thời điểm được tháo băng, bệnh nhân lúc đó mới 15 tuổi sáng mắt trở lại, không chỉ mẹ em ấy khóc mà bác sĩ Mai cũng rơi nước mắt vì vui với gia đình. Giây phút đó là một trong rất nhiều khoảnh khắc tôi thấy được sự tận tụy và đồng cảm của bác sĩ Mai".
Chia sẻ về những dự án tiếp tục thực hiện trong thời gian tới cho khoa mình, bác sĩ Mai cho biết chị hỗ trợ các bác sĩ trong khoa phát triển về năng lực chuyên môn thông qua nhiều hội thảo, chương trình đào tạo quốc tế. Vị trưởng khoa tỏ ra hài lòng và tin tưởng vào thế hệ trẻ kế thừa, họ là những cộng sự đủ tâm và tầm để tiếp tục phát triển Khoa Mắt & Phẫu thuật khúc xạ của FV lên một tầm cao mới.